Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Mặt nạ quỷ 4: Thời gian nghiệt ngã

(Nếu tiếp tục câu truyện sẽ đổi sang hướng khác.)


Thanh Sơn trở lại văn phòng công ty. Ông bảo vệ nhất định không cho Thanh Sơn vào.
“Em là Thanh Sơn đây mà”
“Ông đừng có cố mạo nhận. Thanh Sơn trắng trẻo đẹp trai trẻ trung. Còn ông thì xanh xao hao mòn. Lại còn có khuôn mặt quỷ. Đi chỗ khác mà quậy. Ở đây không tiếp đón thứ như ông.”
Đúng lúc ấy giám đốc đi xuống.
“Có chuyện gì vậy?”
“Thưa giám đốc, có gã ăn mày này cứ mạo nhận là trưởng phòng Thanh Sơn. Tôi đuổi mãi mà không chịu đi.”
“Anh! Em thật là Thanh Sơn.”
“Ông là trưởng phòng Thanh Sơn của chúng tôi sao?”
“Đúng vậy mà! Em có thể chứng minh. Anh cứ đưa cho em một dự án. Em sẽ làm xong ngay. Anh xem cái em làm, anh sẽ biết em có thật là Thanh Sơn hay không.”
“Được rồi! Cho dù ông chứng minh được khả năng của mình thì sao đây. Ông nhìn lại gương đi. Một doanh nghiệp như chúng tôi làm sao có thể để một người xấu như ông làm việc trong đó chứ? Ông đi đi, cho dù ông có đúng là Thanh Sơn hay không.”
***
Ông bà Bách Hợp nhất định không chịu đi theo những người do vợ chồng Tải Cúc phái về đón. Xứ này tuy nghèo nhưng là quê hương thân thương của họ suốt mấy chục năm rồi. Bây giờ già, gần cuối đời, xuôi về thành Thăng Long làm gì chứ? Lại chẳng như “chim chậu cá lồng” giữa bốn bức tường hay sao. Hai ông bà thích ở lại cái làng quê hẻo lánh này hơn. Hàng ngày hai ông bà quanh quẩn với mấy con gà, mấy luống rau, mấy bụi hoa, đôi lúc hàng xóm láng giềng chạy qua dăm ba câu chuyện... Cảnh sống như vậy thanh bình và vui hơn.
Không đón được cha mẹ xuôi về Hà thành với mình, hàng tháng Tải Cúc gửi rất nhiều tiền về bảo cha mẹ dùng để chi tiêu, ăn uống, tẩm bổ, chăm sóc sức khỏe.
Ở cái xứ nhà quê, cái gì cũng tự cung tự cấp. Làm gì mà cần nhiều tiền như thế. Ông bà Bách Hợp lại phải gửi vào nhà “bank” để họ giữ giùm. Quyển sổ tiết kiệm cứ mỗi tháng lại tăng thêm một khoản. Bà Bách Hợp để quyển sổ vào cái vỏ hộp bánh “Danisa” cùng với tờ giấy nhỏ ghi mấy dòng chữ:
“Tải Cúc à! Tiền nhiều quá! Cha mẹ chẳng biết để làm gì. Giữ lại cho con để sau này con dùng phòng thân. Cha mẹ chỉ cần con thôi. Nhìn cha con ngồi tựa cửa ngóng con mẹ thấy lòng quặn thắt. Mỗi khi có tiếng xe từ xa vọng lại. Cha con lại chạy ra ngõ, mong con xuất hiện trở về... Rồi ông ấy lại thẫn thờ quay vào khi tiếng xe khuất dần mà không thấy con đâu. Ngày trước lúc con còn bé tí con hay ngồi trong lòng cha, hai cha con ngồi tựa cửa chờ mẹ về. Bây giờ con lớn rồi nhà vắng vẻ quá!
Con còn nhớ không cái hồi con được khoảng 9 tuổi. Cha con đi họp với bạn nhưng lại hứa là về ăn cơm tối với con. Thế là mẹ dọn cơm ra, con nhất định không ăn. Con cứ ngồi ở bậu cửa chờ cha con đến tận tối mịt. Mẹ bực mình quát con ăn cơm đi, con mới chịu ăn. Lần đó cha con gọi điện về xin lỗi con mà không nói vì sao. Nửa đêm ông ấy về vẫn vui vẻ ngồi vào mâm, bị mẹ mắng té tát là không biết giữ lời hứa với con, ông ấy vẫn vui vẻ ăn cơm và giục mẹ đi ngủ trước. Lúc ông ấy đứng dậy tập tễnh bê mâm cơm đi xuống bếp, con ạ, lúc ấy mẹ mới phát hiện là ông ấy bị tai nạn phải vào bệnh viện khâu vết thương nên không về được đúng giờ.
Con gái yêu của cha mẹ à, bây giờ không có con bên cạnh, cha mẹ cứ lúc nào cũng hồi tưởng về kỷ niệm lúc con còn bé thơ.
Mẹ nhớ con!”
***
Một sớm người ta không thấy ông bà Bách Hợp mở cửa ra chăm vườn rau như mọi ngày. Thấy lạ, ông hàng xóm chạy sang gọi cửa. Gọi hoài, trong nhà vẫn im ắng. Họ phá cửa xông vào. Trên cái giường bên trái, ông Bách Hợp đã ngủ giấc ngủ ngàn thu. Ở cái giường bên phải bà Bách Hợp cũng không để ông phải ra đi một mình cô lẻ. Cả hai ông bà đã thanh thản mà đi không từ biệt như thế.
Tải Cúc một mình lao nhanh về làng khi người ta báo tin cho cô. Cô chạy ùa vào trong nhà thảng thốt gọi “mẹ ơi!” Cô ngã quỵ xuống bên cạnh hai chiếc quan tài để cạnh nhau giữa nhà. Cô ngất lịm đi, người ta lay cô dậy. Cô chới với, trong lồng ngực như bị đá đè, cô há to miệng mà khóc không thành tiếng. Ai trông vậy cũng thương cảm xót xa. Dù rằng, ở đời tất sinh, tất hữu diệt. Nhưng vì hữu duyên nên sinh tình. Khi phải cắt đứt rời lìa thì lại đau đớn vô cùng.
Người đi nhẹ bước thênh thênh. Nhưng người đưa tiễn lại đau buồn nuối tiếc. Khóc thương nước mắt lã chã tuôn rơi. Những giọt nước mắt đó khóc thương người quá cố nhưng chính là khóc thương mình. Mình cứ tưởng cha mẹ còn ở đó, nên mình cứ mải đi làm xa để kiếm cho thật nhiều tiền. Mình cứ nghĩ mình gửi tiền về cho cha mẹ như thế là mình đã đủ thương cha mẹ rồi. Đến lúc cha mẹ ra đi không một lời từ biệt, mình mới chợt nhận ra mình đã mất đi một cái gì đó quá lớn không thể bù đắp được. Những giọt nước mắt là rơi cho chính mình chứ đâu phải là rơi cho người đã khuất.
Tải Cúc còn chưa kịp đưa Sơn Chi về thăm ông bà ngoại của nó.
Cái làng nhỏ bé nơi bìa rừng chỉ chưa đầy một trăm nóc nhà, thế nên dù nhà nào có việc thì cả làng đều cùng xúm vào lo chung. Họ vẫn sống như vậy với tình cảm tràn đầy sau lũy tre làng.
Đám ma đưa hai chiếc quan tài ra nghĩa địa ngoài bìa rừng. Cả làng, lớn bé, già trẻ gái trai cùng đi đưa tiễn. Tải Cúc bám theo hai chiếc quan tài. Tay cô như muốn níu lại thời gian. Đôi chân cô lảo đảo, chực đi, chực ngã. Thấy vậy, hai người bạn cũ của cô khoác cô lên vai dìu đi.
Thấp thoáng phía sau, đi tách biệt một mình khỏi dòng người đông đúc, có một người đàn ông đội mũ chùm đầu che gần hết khuôn mặt cũng đang từng bước lê theo đám tang. Người ta thấy thân hình người đàn ông đó cứ từng hồi rung lên bần bật. Anh ta là ai? Anh ta đang khóc sao?
***
An táng cha mẹ xong, Tải Cúc về nhà nằm vật ra giường như cái xác không hồn. Hàng xóm vẫn giúp mọi việc. Họ còn nấu cháo và đút cho cô ăn.
Tìm thấy cái vỏ hộp bánh “Danisa” họ đưa nó cho cô. Cô mở hộp ra, bên trong là một quyển sổ tiết kiệm với tên người hưởng là tên cô. Toàn bộ số tiền cô gửi về từ trước đến giờ đều ở đó. Cầm lá thư đã úa màu cô đọc như nuốt từng chữ. Nước mắt cô tuôn trào. Cô hét lên lanh lảnh “mẹ ơi! cha ơi!” Rồi cô lại quỵ xuống. Tiếng thét của cô thấu tận rừng sâu. Một kẻ trốn trong rừng bấy lâu giật thót mình khi nghe tiếng thét, ngã từ cái chòi trên cây rơi xuống đất.
Tải Cúc ở lại nhà cho đến sau khi cúng tuần thứ nhất cho cha mẹ. Cô phải trở lại Thăng Long vì Sơn Chi còn bé quá. Vắng mẹ, nó quấy khóc rất nhiều. Gia Bảo thì lại không để ý gì đến nó. Người giúp việc cứ liên tục gọi cho Tải Cúc nói là con bé Sơn Chi vắng mẹ lâu quá nó khóc ngằn ngặt suốt.
Tải Cúc đi rồi, ngôi nhà của ông bà Bách Hợp cửa đóng then cài, cổng khóa, vắng vẻ như một căn nhà hoang lạnh lẽo.
Mỗi năm Tải Cúc chỉ về có một lần vào dịp giỗ cha mẹ. Lần nào về cũng mang theo Sơn Chi, nhưng không bao giờ có Gia Bảo. Tải Cúc nói với mọi người là “anh ấy bận nhiều việc không bố trí được thời gian.
Mỗi lần trở về, Tải Cúc rất ngạc nhiên vì ngôi nhà không lạnh lẽo như cô tưởng. Mọi thứ trong nhà vẫn sạch sẽ tinh tươm. Ngoài vườn không hề có cỏ dại mọc. Mặc dù cổng vẫn khóa, cửa vẫn đóng then cài. Khi thăm mộ, cô ngạc nhiên hơn nữa khi thấy hai ngôi mộ rõ ràng có bàn tay chăm sóc. Không hề bị cỏ mọc lút đầu giống như những ngôi mộ vắng chủ khác.
Hỏi thăm hàng xóm xem có ai giúp mình. Mọi người đều nói là “không”. Tải Cúc chợt nhớ đến Thanh Sơn. Có lẽ anh là người duy nhất có khả năng âm thầm giúp cô. Tải Cúc chạy sang nhà Thanh Sơn. Cô không tìm được nhà của Thanh Sơn nữa. Nhiều năm trước nó ở đây cơ mà, sao bây giờ nó như là mảnh vườn hoang. Cỏ dại cao lút đầu, không nhìn thấy cái gì đằng sau lớp cỏ dại rậm rạp đó. Anh đã không ở đó lâu rồi. Không ai trong làng biết Thanh Sơn đã đi đâu.
Tải Cúc bần thần bước quay về...




(Tùy theo lựa chọn của người đọc, truyện có thể đặt dấu chấm hết ở đây.)

Không có nhận xét nào: