Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Mặt nạ quỷ 4: Thời gian nghiệt ngã

(Nếu tiếp tục câu truyện sẽ đổi sang hướng khác.)


Thanh Sơn trở lại văn phòng công ty. Ông bảo vệ nhất định không cho Thanh Sơn vào.
“Em là Thanh Sơn đây mà”
“Ông đừng có cố mạo nhận. Thanh Sơn trắng trẻo đẹp trai trẻ trung. Còn ông thì xanh xao hao mòn. Lại còn có khuôn mặt quỷ. Đi chỗ khác mà quậy. Ở đây không tiếp đón thứ như ông.”
Đúng lúc ấy giám đốc đi xuống.
“Có chuyện gì vậy?”
“Thưa giám đốc, có gã ăn mày này cứ mạo nhận là trưởng phòng Thanh Sơn. Tôi đuổi mãi mà không chịu đi.”
“Anh! Em thật là Thanh Sơn.”
“Ông là trưởng phòng Thanh Sơn của chúng tôi sao?”
“Đúng vậy mà! Em có thể chứng minh. Anh cứ đưa cho em một dự án. Em sẽ làm xong ngay. Anh xem cái em làm, anh sẽ biết em có thật là Thanh Sơn hay không.”
“Được rồi! Cho dù ông chứng minh được khả năng của mình thì sao đây. Ông nhìn lại gương đi. Một doanh nghiệp như chúng tôi làm sao có thể để một người xấu như ông làm việc trong đó chứ? Ông đi đi, cho dù ông có đúng là Thanh Sơn hay không.”
***
Ông bà Bách Hợp nhất định không chịu đi theo những người do vợ chồng Tải Cúc phái về đón. Xứ này tuy nghèo nhưng là quê hương thân thương của họ suốt mấy chục năm rồi. Bây giờ già, gần cuối đời, xuôi về thành Thăng Long làm gì chứ? Lại chẳng như “chim chậu cá lồng” giữa bốn bức tường hay sao. Hai ông bà thích ở lại cái làng quê hẻo lánh này hơn. Hàng ngày hai ông bà quanh quẩn với mấy con gà, mấy luống rau, mấy bụi hoa, đôi lúc hàng xóm láng giềng chạy qua dăm ba câu chuyện... Cảnh sống như vậy thanh bình và vui hơn.
Không đón được cha mẹ xuôi về Hà thành với mình, hàng tháng Tải Cúc gửi rất nhiều tiền về bảo cha mẹ dùng để chi tiêu, ăn uống, tẩm bổ, chăm sóc sức khỏe.
Ở cái xứ nhà quê, cái gì cũng tự cung tự cấp. Làm gì mà cần nhiều tiền như thế. Ông bà Bách Hợp lại phải gửi vào nhà “bank” để họ giữ giùm. Quyển sổ tiết kiệm cứ mỗi tháng lại tăng thêm một khoản. Bà Bách Hợp để quyển sổ vào cái vỏ hộp bánh “Danisa” cùng với tờ giấy nhỏ ghi mấy dòng chữ:
“Tải Cúc à! Tiền nhiều quá! Cha mẹ chẳng biết để làm gì. Giữ lại cho con để sau này con dùng phòng thân. Cha mẹ chỉ cần con thôi. Nhìn cha con ngồi tựa cửa ngóng con mẹ thấy lòng quặn thắt. Mỗi khi có tiếng xe từ xa vọng lại. Cha con lại chạy ra ngõ, mong con xuất hiện trở về... Rồi ông ấy lại thẫn thờ quay vào khi tiếng xe khuất dần mà không thấy con đâu. Ngày trước lúc con còn bé tí con hay ngồi trong lòng cha, hai cha con ngồi tựa cửa chờ mẹ về. Bây giờ con lớn rồi nhà vắng vẻ quá!
Con còn nhớ không cái hồi con được khoảng 9 tuổi. Cha con đi họp với bạn nhưng lại hứa là về ăn cơm tối với con. Thế là mẹ dọn cơm ra, con nhất định không ăn. Con cứ ngồi ở bậu cửa chờ cha con đến tận tối mịt. Mẹ bực mình quát con ăn cơm đi, con mới chịu ăn. Lần đó cha con gọi điện về xin lỗi con mà không nói vì sao. Nửa đêm ông ấy về vẫn vui vẻ ngồi vào mâm, bị mẹ mắng té tát là không biết giữ lời hứa với con, ông ấy vẫn vui vẻ ăn cơm và giục mẹ đi ngủ trước. Lúc ông ấy đứng dậy tập tễnh bê mâm cơm đi xuống bếp, con ạ, lúc ấy mẹ mới phát hiện là ông ấy bị tai nạn phải vào bệnh viện khâu vết thương nên không về được đúng giờ.
Con gái yêu của cha mẹ à, bây giờ không có con bên cạnh, cha mẹ cứ lúc nào cũng hồi tưởng về kỷ niệm lúc con còn bé thơ.
Mẹ nhớ con!”
***
Một sớm người ta không thấy ông bà Bách Hợp mở cửa ra chăm vườn rau như mọi ngày. Thấy lạ, ông hàng xóm chạy sang gọi cửa. Gọi hoài, trong nhà vẫn im ắng. Họ phá cửa xông vào. Trên cái giường bên trái, ông Bách Hợp đã ngủ giấc ngủ ngàn thu. Ở cái giường bên phải bà Bách Hợp cũng không để ông phải ra đi một mình cô lẻ. Cả hai ông bà đã thanh thản mà đi không từ biệt như thế.
Tải Cúc một mình lao nhanh về làng khi người ta báo tin cho cô. Cô chạy ùa vào trong nhà thảng thốt gọi “mẹ ơi!” Cô ngã quỵ xuống bên cạnh hai chiếc quan tài để cạnh nhau giữa nhà. Cô ngất lịm đi, người ta lay cô dậy. Cô chới với, trong lồng ngực như bị đá đè, cô há to miệng mà khóc không thành tiếng. Ai trông vậy cũng thương cảm xót xa. Dù rằng, ở đời tất sinh, tất hữu diệt. Nhưng vì hữu duyên nên sinh tình. Khi phải cắt đứt rời lìa thì lại đau đớn vô cùng.
Người đi nhẹ bước thênh thênh. Nhưng người đưa tiễn lại đau buồn nuối tiếc. Khóc thương nước mắt lã chã tuôn rơi. Những giọt nước mắt đó khóc thương người quá cố nhưng chính là khóc thương mình. Mình cứ tưởng cha mẹ còn ở đó, nên mình cứ mải đi làm xa để kiếm cho thật nhiều tiền. Mình cứ nghĩ mình gửi tiền về cho cha mẹ như thế là mình đã đủ thương cha mẹ rồi. Đến lúc cha mẹ ra đi không một lời từ biệt, mình mới chợt nhận ra mình đã mất đi một cái gì đó quá lớn không thể bù đắp được. Những giọt nước mắt là rơi cho chính mình chứ đâu phải là rơi cho người đã khuất.
Tải Cúc còn chưa kịp đưa Sơn Chi về thăm ông bà ngoại của nó.
Cái làng nhỏ bé nơi bìa rừng chỉ chưa đầy một trăm nóc nhà, thế nên dù nhà nào có việc thì cả làng đều cùng xúm vào lo chung. Họ vẫn sống như vậy với tình cảm tràn đầy sau lũy tre làng.
Đám ma đưa hai chiếc quan tài ra nghĩa địa ngoài bìa rừng. Cả làng, lớn bé, già trẻ gái trai cùng đi đưa tiễn. Tải Cúc bám theo hai chiếc quan tài. Tay cô như muốn níu lại thời gian. Đôi chân cô lảo đảo, chực đi, chực ngã. Thấy vậy, hai người bạn cũ của cô khoác cô lên vai dìu đi.
Thấp thoáng phía sau, đi tách biệt một mình khỏi dòng người đông đúc, có một người đàn ông đội mũ chùm đầu che gần hết khuôn mặt cũng đang từng bước lê theo đám tang. Người ta thấy thân hình người đàn ông đó cứ từng hồi rung lên bần bật. Anh ta là ai? Anh ta đang khóc sao?
***
An táng cha mẹ xong, Tải Cúc về nhà nằm vật ra giường như cái xác không hồn. Hàng xóm vẫn giúp mọi việc. Họ còn nấu cháo và đút cho cô ăn.
Tìm thấy cái vỏ hộp bánh “Danisa” họ đưa nó cho cô. Cô mở hộp ra, bên trong là một quyển sổ tiết kiệm với tên người hưởng là tên cô. Toàn bộ số tiền cô gửi về từ trước đến giờ đều ở đó. Cầm lá thư đã úa màu cô đọc như nuốt từng chữ. Nước mắt cô tuôn trào. Cô hét lên lanh lảnh “mẹ ơi! cha ơi!” Rồi cô lại quỵ xuống. Tiếng thét của cô thấu tận rừng sâu. Một kẻ trốn trong rừng bấy lâu giật thót mình khi nghe tiếng thét, ngã từ cái chòi trên cây rơi xuống đất.
Tải Cúc ở lại nhà cho đến sau khi cúng tuần thứ nhất cho cha mẹ. Cô phải trở lại Thăng Long vì Sơn Chi còn bé quá. Vắng mẹ, nó quấy khóc rất nhiều. Gia Bảo thì lại không để ý gì đến nó. Người giúp việc cứ liên tục gọi cho Tải Cúc nói là con bé Sơn Chi vắng mẹ lâu quá nó khóc ngằn ngặt suốt.
Tải Cúc đi rồi, ngôi nhà của ông bà Bách Hợp cửa đóng then cài, cổng khóa, vắng vẻ như một căn nhà hoang lạnh lẽo.
Mỗi năm Tải Cúc chỉ về có một lần vào dịp giỗ cha mẹ. Lần nào về cũng mang theo Sơn Chi, nhưng không bao giờ có Gia Bảo. Tải Cúc nói với mọi người là “anh ấy bận nhiều việc không bố trí được thời gian.
Mỗi lần trở về, Tải Cúc rất ngạc nhiên vì ngôi nhà không lạnh lẽo như cô tưởng. Mọi thứ trong nhà vẫn sạch sẽ tinh tươm. Ngoài vườn không hề có cỏ dại mọc. Mặc dù cổng vẫn khóa, cửa vẫn đóng then cài. Khi thăm mộ, cô ngạc nhiên hơn nữa khi thấy hai ngôi mộ rõ ràng có bàn tay chăm sóc. Không hề bị cỏ mọc lút đầu giống như những ngôi mộ vắng chủ khác.
Hỏi thăm hàng xóm xem có ai giúp mình. Mọi người đều nói là “không”. Tải Cúc chợt nhớ đến Thanh Sơn. Có lẽ anh là người duy nhất có khả năng âm thầm giúp cô. Tải Cúc chạy sang nhà Thanh Sơn. Cô không tìm được nhà của Thanh Sơn nữa. Nhiều năm trước nó ở đây cơ mà, sao bây giờ nó như là mảnh vườn hoang. Cỏ dại cao lút đầu, không nhìn thấy cái gì đằng sau lớp cỏ dại rậm rạp đó. Anh đã không ở đó lâu rồi. Không ai trong làng biết Thanh Sơn đã đi đâu.
Tải Cúc bần thần bước quay về...




(Tùy theo lựa chọn của người đọc, truyện có thể đặt dấu chấm hết ở đây.)

Mặt nạ quỷ 3: Đổi vai

(Nếu tiếp tục câu truyện sẽ đổi sang hướng khác.)

Thanh Sơn nhiều lần tìm đến nhà xin gặp. Tải Cúc nhất định không muốn gặp lại người đàn ông phụ bạc ấy nữa.
Thời gian cứ trôi qua từng ngày...
Một hôm cha lại gọi: “Con gái à! Thanh Sơn nó đến tìm đấy” – “Con đã nói bao nhiêu lần rồi, cha đuổi anh ta về đi!”
“Thì cha biết vậy, nhưng không hiểu sao hồi này trông thấy nó yếu và xanh lắm!”
“Anh ta có chết cũng không liên quan đến con!”
Bạn bè vẫn đến chơi và khuyên Tải Cúc: “Này! mày thử tìm hiểu xem! Với y học hiện đại ngày nay, thể nào người ta chẳng có cách bóc giùm mày cái mặt nạ đó đi. Bên Nam Hàn, bao nhiêu người phẫu thuật thẩm mỹ đẹp như tiên vậy!”
***
Thời gian trôi qua đã được một năm. Nỗi căm tức, bực dọc trong lòng Tải Cúc đã nguội lạnh. Với cô, Thanh Sơn bây giờ không còn tạo cảm giác gì nữa. Cô không thấy yêu cũng không thấy hận anh ta nữa. Mọi cảm giác đã nguội lạnh.
Một ngày, một đứa bạn gái lao đến bên cửa:
“Mày ơi! Tao nghe người ta bảo ở trên huyện có một bệnh viện có thể giúp mày gỡ cái mặt nạ đó. Đi với tao!”
Tải Cúc chẳng quan tâm lắm chuyện có gỡ được hay không. Chẳng có gì để mất. Đi thì đi chứ sợ gì.
Sau khi làm mọi thủ tục, người ta đưa cô đến phòng mổ. Uống vài viên thuốc do bác sĩ đưa cho, Tải Cúc thiếp đi vào cơn mê...
Tỉnh giấc, Tải Cúc thấy mình nằm trong phòng bệnh nhân, chung quanh không có ai. Đưa tay sờ lên mặt, cô cảm nhận không hề có dấu vết của một ca phẫu thuật. Với vội chiếc gương, một khuôn mặt thậm chí còn xinh đẹp hơn xưa hiện ra.
Thật là diệu kỳ! Cô hét lên sung sướng.
Tải Cúc vui vẻ quay trở lại với cuộc sống đày ắp tiếng cười như trước khi bị dính mặt nạ quỷ.
***
Ở làng, trong phòng riêng của mình, Thanh Sơn cầm chiếc mặt nạ quỷ trên tay ngắm ngía... Một chiếc mặt nạ trông giống như những chiếc mặt nạ bán đầy ở phố Hàng Mã mỗi khi mùa Trung Thu về. Vậy mà vì nó, anh đã mất người con gái anh yêu thương nhất.
Đứng trước gương, Thanh Sơn tò mò đưa chiếc mặt nạ lên ướm thử. Phép mầu lại một lần nữa xuất hiện, chiếc mặt nạ quỷ mọc rễ dính chặt vào mặt anh. Thanh Sơn gắng cạy nó ra mà không cạy được. Anh vội vàng hộc tốc chạy lên căn phòng bí mật tầng áp mái. Mở tung cửa... cây hoa anh trồng đã tàn úa.
Ngoài kia, cả làng đang rầm rộ đổ ra đường để đón Tải Cúc trở về. Họ hồ hởi nói với nhau “thấy bảo là cô ấy lại còn xinh đẹp hơn cả khi trước nữa”.
***
Với khả năng của mình, cộng với khuôn mặt xinh đẹp, Tải Cúc xin được một việc làm tốt ở thủ đô Thăng Long. Cô rời xa cha mẹ, một mình xuống thành Thăng Long, bắt đầu một cuộc sống mới.
Không bao lâu, sau khi đến Thăng Long làm việc, Tải Cúc yêu Gia Bảo. Gia Bảo cao to đẹp trai hơn Thanh Sơn. Gia Bảo tài giỏi hơn Thanh Sơn. Và tất nhiên Gia Bảo nhiều tiền hơn hàng triệu, hàng tỷ lần so với Thanh Sơn. Gia Bảo là giám đốc điều hành của một khu trung tâm thương mại, mua sắm, vui chơi, giải trí lớn nhất ở Hà thành - nơi Tải Cúc đang làm việc. Trung tâm thương mại Golden Sun Thăng Long đó là một trong chuỗi các trung tâm thương mại sở hữu bởi cha của Gia Bảo. Đương nhiên, trong tương lai không xa, Gia Bảo sẽ trở thành ông chủ của chuỗi siêu thị Golden Sun này.
***
Hôm nay, Tải Cúc dẫn người yêu đại công tử về thăm làng quê nghèo của mình. Cả làng túa ra xem khi thấy chiếc xe dát vàng chạy từ thành Thăng Long về đến cây đa ngoài đình. Hai bên đường, mọi người đông như xem hội khi thấy Tải Cúc như một bà hoàng trong chiếc xe mui trần vàng chói lọi chạy từ ngoài đình về đến giữa làng. Cha mẹ mừng vui ôm con gái vào lòng. Chưa bao giờ Tải Cúc xa cha mẹ lâu như vậy. Ngoảnh ra ngoài thấy vị đại công tử vẫn đang đứng giữa sân không muốn bước vào căn nhà nghèo nàn lụp xụp. Cha mẹ biết là sắp mất Tải Cúc.
Tải Cúc đi ra giếng để rửa mặt. Cô chợt thấy bóng dáng ai đó thấp thoáng ngoài hàng rào như là Thanh Sơn. Đã lâu rồi trong tim cô không còn hình bóng chàng nữa. Nhưng hôm nay, Tải Cúc lại muốn gặp Thanh Sơn. Cô muốn khoe Gia Bảo với Thanh Sơn. Cô muốn cảm ơn Thanh Sơn đã bạc tình bạc nghĩa với cô. Nhờ vậy mà cô mới có được hạnh phúc như hôm nay.
Cô dơ tay vẫy gọi: “Thanh Sơn! Anh vào đây!” – Người đứng ngoài hàng rào quay đi. Cô chạy ra tới hàng rào và nói lớn “Này! Anh kia tôi gọi anh đấy!” – Người đứng ngoài hàng rào quay mặt lại. Cô giật bắn mình rú lên: “Á... á... quỷ hiện hình giữa ban ngày!” Rồi cô chạy trở về trong nhà.
Tải Cúc nắm tay Gia Bảo kéo đi. Cô giục: “Đi! đi thôi anh! Con đi luôn đây cha mẹ!” Rồi quay sang Gia Bảo “Em vừa gặp quỷ! Đi về thành Thăng Long thôi anh!”. “Con đi luôn đây. Anh Gia Bảo sẽ cho người về đón cha mẹ xuống đó ở với chúng con”.
Tải Cúc và Gia Bảo lên xe, đi trong sự sững sờ của cha mẹ.
***
Cô gái vận đồ đen với cái mũ liền áo chùm đầu từ đâu bước đến: “Người anh yêu thương nhất đi xa rồi”
“Ngọc Huyền đấy à! Tôi tìm cô bấy lâu nay. Tự dưng hôm nay không tìm cô lại đến. Cái cây hoa mật quỷ đó chết rồi!”
“Gần hai năm trước, bên bờ suối trong rừng sâu, anh nhờ tôi gỡ mặt nạ quỷ cho Tải Cúc. Hạt giống hoa mật quỷ đó tôi cho anh. Tôi đã nói với anh rồi, nó phải uống máu người hàng ngày. Anh đã hàng ngày lấy máu mình để nuôi cây đó. Sau một năm cây mật quỷ đó sẽ chỉ ra một bông hoa duy nhất. Trong bông hoa ấy có những giọt mật màu đỏ. Anh lấy mật đó bôi lên mặt của Tải Cúc. Chiếc mặt nạ đã tự bong ra. Như chưa từng dính vào da thịt nàng. Sau khi anh ngắt bông hoa đó thì cái cây sẽ chết liền.”
“Nhẽ ra, xong rồi, anh phải hủy cái mặt nạ đó đi. Anh lại còn nghịch ngợm với chiếc mặt nạ đó. Bây giờ thì ai muốn giúp anh gỡ nó nào?”
“Không ai cả! Tải Cúc đã không nhận ra tôi. Cô ấy tưởng tôi là quỷ.”
“Tôi sẽ giúp anh gỡ nó ra, nếu anh muốn. Và sau khi gỡ nó xuống, có khi anh còn đẹp trai hơn xưa nữa ấy!”
“Sau khi cái cây mật quỷ đó chết, tôi đi tìm cô khắp nơi. Cho đến trước hôm nay tôi vẫn mong gặp cô để nhờ cô giúp. Nhưng bây giờ thì tôi lại không muốn gỡ nữa. Với khuôn mặt của quỷ tôi sẽ nhìn thấy tấm lòng thật của người đời dễ hơn.”



(Tùy theo lựa chọn của người đọc, truyện có thể đặt dấu chấm hết ở đây.)

Mặt nạ quỷ 2: Đàn ông phụ bạc

(Nếu tiếp tục câu truyện sẽ đổi sang hướng khác.)

Đến lúc này Tải Cúc gào lên:
-          Ah... anh nói thế là anh chê tôi xấu phải không? Tôi biết ngay mà, anh nói anh yêu tôi, đã yêu tôi, đang yêu tôi, sẽ vẫn yêu tôi. Chẳng qua chỉ là lời nói dối. Yêu làm sao được một khuôn mặt thế này chứ. Anh cút đi! Tôi không cần anh thương hại.
Không biết phải nói sao, Thanh Sơn chán nản bỏ ra khỏi nhà. Tải Cúc một mình ôm mặt khóc...
***
Thứ Hai đầu tuần, Tải Cúc thức giấc, cô đi vào bếp, mọi thứ đều sạch sẽ tươm tất như mọi khi. Mâm cơm đã dọn sẵn, một mẩu giấy nhỏ để lại: “Em à! Bữa sáng anh chuẩn bị rồi. Anh phải đi làm đây. Em ăn sáng rồi rủ bạn bè đi chơi cho vui nhé!”
Sau khi ăn sáng, Tải Cúc không đủ tự tin để ra khỏi nhà. Cô đọc vài quyển sách, làm mấy việc linh tinh. Khuôn mặt quỷ cứ ám ảnh làm cô càng chán nản.
Lấy điện thoại gọi cho Thanh Sơn... “Em à! Anh đang bận họp.” (cúp máy)
Tải Cúc gọi lại... “Thuê bao mà bạn gọi hiện không liên lạc được...”
Tải Cúc lấy xe chạy đến văn phòng của Thanh Sơn. Nhìn thấy Tải Cúc, ông bảo vệ nói: “Thanh Sơn từ sáng đến giờ không đến đây”.
Tải Cúc quay ra, máu trong người cô sôi lên, cô lẩm bẩm “Đồ dối trá! Lại còn nói là bận họp!”
Về nhà, quẳng xe vào trong, rồi cứ thế cô chạy thẳng vào rừng... Như một người điên cô chạy tuốt vào rừng sâu hoang vắng. Bỗng phía trước, thấp thoáng bên bờ suối có bóng người. Tải Cúc khựng lại, cô nhận ra Thanh Sơn đang nói chuyện với một cô gái lạ. Cô gái lạ mặc một bộ đồ đen với một cái mũ liền áo chùm đầu. Mặc dù Tải Cúc không nhìn rõ mặt nhưng cô chắc chắn người đó cô chưa từng bao giờ thấy.
Ra là vậy! Anh chán ghét tôi. Anh đi cặp kè với cô gái khác. Lại còn bỏ cả việc cơ quan vào tận rừng sâu mà hú hí với nhau nữa.
Tải Cúc lặng lẽ quay về làng. Lòng người thật không thể nào mà đo được, Tải Cúc nhận chân ra sự thật.
Bạn bè nói với cô: “Thôi mày ạ! Người ta đã phụ bạc thì thôi. Cứ vui vẻ sống. Rồi cũng có người thương mày”
Cô chỉ cười nhạt mà không nói gì.
Cha mẹ an ủi: “Dù thế nào con vẫn mãi là con gái cưng của cha mẹ”
Cô quàng tay ôm mẹ, nước mắt cứ thế tự tuôn ra. Chỉ có mẹ là thực sự thương cô và Tải Cúc chỉ cần có mẹ thôi.


(Tùy theo lựa chọn của người đọc, truyện có thể đặt dấu chấm hết ở đây.)

Mặt nạ quỷ 1: Sự tự tin

Truyện mặt nạ quỷ
Chuyện kể rằng: Con quỷ đánh rơi chiếc mặt nạ ở trong rừng. Cô bé Tải Cúc vô tình nhặt được chiếc mặt nạ. Tò mò và nghịch ngợm cô ướm thử chiếc mặt nạ lên và thế là nó dính luôn vào da thịt, không thể gỡ được ra.
Tải Cúc chạy vội đến bên dòng suối để soi hình xuống đáy nước. Ở dưới nước hiện ra một cô gái với khuôn mặt của quỷ. Tải Cúc hét lên kinh hãi và lăn ra bất tỉnh.
Khi tỉnh lại, cô bé gắng cạy chiếc mặt nạ ra mà không làm sao cạy được. Cô khóc, nước mắt chảy đầm đìa, rồi vừa khóc cô vừa chạy về làng. Mọi người nhìn thấy cô ai cũng kinh hãi xua đuổi. Trẻ con thì khóc toáng lên. Trâu, chó, lợn, gà chạy toán loạn.
Cô chạy vội về nhà, lao vào phòng riêng đóng chặt cửa lại.
Mẹ đang làm ngoài vườn thoáng thấy bóng dáng cô bé vào nhà một cách vội vàng. Mẹ nghĩ có chuyện xảy ra. Mẹ vào nhà và đứng ở cửa phòng gọi cô.
Cửa mở, mẹ sững sờ, con gái của mẹ đang mang một khuôn mặt quỷ vô cùng rùng rợn.
Cô khóc, mẹ khóc, cha cô buồn rầu an ủi:
-               Chúng ta sẽ gỡ được nó thôi con ạ!
***
Cậu bé Thanh Sơn đi lên tỉnh thi học sinh giỏi quay về, chạy đến nhà Tải Cúc báo tin vui rằng cậu đã đỗ đầu thi Hương khóa này.
Thanh Sơn và Tải Cúc là một đôi thanh mai trúc mã. Hai người ở bên nhau từ khi còn rất bé, chơi với nhau rất thân và tình thân đó giờ đây đã trở thành tình yêu.
Tải Cúc mặc cảm vì gương mặt khủng khiếp của mình. Cô bé nhất định không ra gặp Thanh Sơn. Cậu bé ngày nào cũng đến để mong gặp. Cha mẹ Tải Cúc cũng không biết phải làm sao.
Tải Cúc bỏ chạy vào rừng. Khi Thanh Sơn đến, căn phòng trống không. Thanh Sơn đi khắp làng để tìm người yêu không thấy. Cậu bé đi vào rừng để tìm. Gặp thỏ ngọc, Thanh Sơn hỏi:
-               Thỏ ngọc có thấy Tải Cúc không?
-               Tải Cúc ư? Không thấy! Chỉ thấy có cô gái mặt quỷ đi về hướng này.
Thanh Sơn đi theo hướng Thỏ Ngọc chỉ, cậu bé đi mãi đi mãi vào tận rừng sâu. Cuối cùng cậu bé thấy Tải Cúc ngủ gục bên một gốc cây cổ thụ. Thanh Sơn chạy đến vòng tay ôm lấy Tải Cúc từ phía sau:
-               Anh nhớ em quá! Anh tìm em suốt bấy lâu nay! Sao em lại tránh mặt anh như vậy? Anh có lỗi gì, em cứ nói, anh sẽ sửa.
-               Anh đừng yêu em nữa, em không còn xứng đáng với anh đâu. Anh hãy nhìn mặt em đây này.
Tải Cúc quay lại với khuôn mặt của quỷ.
Thanh Sơn không hề biến sắc:
-               Anh vẫn sẽ yêu em như trước anh đã từng yêu và như bây giờ anh đang yêu.
Thanh Sơn cầm tay đưa Tải Cúc quay về làng.
Mọi người đều không tin rằng Thanh Sơn còn có thể thực sự yêu Tải Cúc. Bản thân Tải Cúc cũng không còn tự tin ở bản thân nên cô bé nghi ngờ tất cả và cũng nghi ngờ luôn cả người cô yêu.
Mỗi khi Thanh Sơn có việc phải ra khỏi làng thì cô luôn bồn chồn lo lắng. Cô lo lắng Thanh Sơn sẽ bỏ rơi cô...
***
Tải Cúc bị chiếc mặt nạ dính chặt vào mặt, khiến khuôn mặt xinh đẹp của cô biến thành khuôn mặt quỉ. Cô tự thấy khuôn mặt mình xấu quá và mất hẳn niềm tin vào bản thân. Cô lo sợ rồi Thanh Sơn sẽ bỏ rơi cô và đi với người con gái khác.
Hàng ngày Thanh Sơn phải đi làm, Tải Cúc ở nhà bồn chồn lo lắng...
Cứ vài phút cô lại gọi điện kiểm tra xem lúc này Thanh Sơn đang ở đâu làm gì.
“Anh đang ở cơ quan, bao nhiêu là việc, em gọi điện liên tục thế này, anh không làm được gì cả”
Nghi ngờ Thanh Sơn nói dối mình, Tải Cúc lén tìm đến tận văn phòng nơi Thanh Sơn làm để theo dõi.
Rồi Tải Cúc nhìn thấy có những lúc Thanh Sơn nói chuyện trao đổi vui vẻ với những cô đồng nghiệp trẻ trung xinh đẹp. Nỗi ghen tức trong lòng cô trỗi dậy.
Khi về nhà cô cặn vắt Thanh Sơn đủ chuyện. Nào là hôm nay anh làm những gì? Anh gặp những ai? Anh nói chuyện gì với cô này cô kia.
Làm sao mà Thanh Sơn nhớ được những chuyện vặt vãnh đó.
Mối quan hệ giữa hai người càng ngày càng căng thẳng.
Một lần Thanh Sơn đi làm về muộn, Tải Cúc hỏi:
-               Sao anh về muộn như vậy?
-               Ờ... anh mải làm cho xong việc mới về.
-               Chứ không phải là anh ở lại để cặp kè với cô Xuân Nhi đấy chứ!
-               Em đừng nói như thế! Với anh thì không sao! Nhưng lại còn làm ảnh hưởng đến thanh danh của người khác nữa!
-               Ah.h.h... anh lại còn bênh vực cho người ta nữa à! Anh thấy em xấu quá, khó nhìn nên anh ở lại cơ quan lâu hơn để ngắm gái đẹp phải không?
-               Em à! Em đừng làm cho tâm hồn em cũng xấu đi như thế!



(Tùy thuộc vào ý muốn người đọc, truyện có thể đặt dấu chấm hết ở đây.)

Góc khuất trái tim

Góc khuất trái tim
Miu là cô giáo, môi trường sư phạm rất thanh khiết. Trước đây những chuyện xã hội ít khi bén mảng qua nổi cánh cổng nhà trường. Tuy nhiên, thời buổi đã khác. Các cô giáo ngày nay cũng đua “trưng mốt” không kém gì chị em ngoài xã hội. Chẳng thế mà ở trường Miu có cô giáo trẻ mới về trường tên là Nhã Thy. Nhã Thy đi làm mặc áo trắng mỏng tanh, nhưng bên trong lại vận cóoc-xê đen sậm. Túm lại là ai đó tu trên núi đến mấy chục năm thì có cố lờ đi cũng bị đập vào mắt. Lên lớp dạy học, cô giáo Nhã Thy trên bảng vẽ đồ thị hàm số bậc 4, ở dưới đám học trò cuối cấp hình dung luôn đó là đôi cóoc-xê của cô... Rồi chuyện các cô vận đồ bó khoe đường cong, nhuộm tóc, săm môi, săm mi... nói chung không gì là các cô không làm. Chỉ thiếu mỗi chuyện là các cô chưa vận bi-ki-ni lên bục giảng.
Hàng ngày, đi làm, Miu nghe đồng nghiệp kể đủ mọi chuyện, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện bồ bịch của các sếp trường, sếp trên phòng, sếp trên sở. Lúc đầu cô còn chú ý đến câu chuyện của mọi người kể, nhưng nghe nhiều cũng thấy nhàm tai.
Có một hôm đồng nghiệp vừa cười đùa hỏi cô: “Chồng mày có bồ không?”
Miu đỏ mặt nói: “Đồ chết tiệt, chồng tao ko phải là loại đó!”
Miu nói như vậy, nhưng trong lòng cảm thấy lo lắng, cô nghĩ chồng mình không đẹp trai, không quyền lực, không có tiền, không ăn chơi hưởng lạc, đi đâu cũng lóc cóc xe đạp… nhưng mồm mép thì đúng là cái lưỡi không xương, tán gái thì thôi rồi... khả năng có bồ cũng nên.
Trâu làm nghề xích lô. “Chạy xô” ở trường đại học hạng hai và một công ty cổ phần nhỏ. Ở cái trường đại học hạng hai to đùng ấy thì chuyện bồ bịch là nhan nhản, các sếp còn có con với bồ chứ không chỉ là thậm thụt vớ vẩn. Ở cái công ty cổ phần nho nhỏ chỉ có chưa đến hai chục người, ấy vậy mà nghe nói cũng có vài vụ đánh ghen của mấy vị phu nhân của các sếp. Mọi người trong công ty cho rằng: không bồ bịch mới là lạc hậu. Trong xã hội hiện nay, hiện tượng bồ bịch càng ngày càng có xu thế tăng lên. Mọi người không coi đó thuộc phạm trù đạo đức mà chỉ cho đó là chuyện riêng tư trong đời thường. Nhiều khi Trâu nghĩ: vợ mình xinh đẹp thế, chắc đầy kẻ tán tỉnh?
Một buổi tối, bên mâm cơm Miu hỏi Trâu:
- Anh có bồ không đấy?
Trâu nói:
- Nhiều lắm!
Miu nói:
- Gái nào mà thích anh thì rõ là điên!
Nói vậy, nhưng trong lòng Miu không yên tâm. Miu thích Trâu, vậy là Miu tự bảo mình điên. Mà Miu biết đầy đứa cũng điên như thế.
Trâu thì chẳng bao giờ hỏi Miu rằng: “Em có bồ không?” Bởi vì câu trả lời chắc chắn là: “Không có!”. Nhưng Trâu biết thừa là đàn ông vây xung quanh ngưỡng mộ Miu thì có nguyên cả một đại đội chứ không phải là đếm trên đầu ngón tay.
Ngày va-lung-tung, người ta bảo là lễ tình nhân. Trâu thì đúng với nghĩa đen của cụm từ “va lung tung”, Trâu nhắn tin điện thoại, “chat facebook” hết em nọ đến cô kia. Nhưng lễ tình nhân là phải lãng mạn. Người bán hoa đưa đến cho Miu một bó hoa hồng rất to không đề tên người gửi. Miu không nghĩ đó là của Trâu, vì “chồng hâm” của cô không có lãng mạn như thế bao giờ. “Chồng hâm” của cô chỉ lãng mạn với các em bên ngoài chứ đối với vợ thì chả ra gì. Cả trường đều nghi ngờ Miu có bồ, nhưng giấu không cho ai biết. Cũng đúng ngày ấy, Trâu cũng nhận được một bó hồng, không đề tên người tặng, cả công ty ngưỡng mộ: cái gã đó tưởng là “thùng rỗng kêu to” mà có bồ thật!
Khi Miu trấn tĩnh lại, thấy rất bực, không biết ai chơi trò ác ý như vậy, khiến cô bị oan uổng, cô ngại chuyện này đến tai chồng. Trâu thì thấy bất ngờ, khiến anh chẳng biết nói sao với mọi người, và rất ngại nói với vợ, cô ấy vốn tính ghen sẵn, biết chuyện này máu trong huyết quản không sôi lên sùng sục mới lạ.
Tối đó về đến nhà, Trâu cười hỏi vợ:
- Hôm nay có nhận được hoa không?
Miu trả lời: “Không”.
Miu cũng hỏi chồng: “Anh có nhận được hoa không?” Trâu cũng nói: “Không”. Dại gì mà nói “có”. Lời nói dối không hại đến ai thì nên nói dối. Nói thật mà tan nát cửa nhà thì tránh vẫn hơn.
Trái tim hai người điều cảm thấy nhói đau. Hai người đều cảm thấy đối phương nói dối mình, nỗi hoài nghi bỗng trào lên, vì vào ngày va-lung-tung cả hai người đã gửi hoa cho nhau…
Chỉ không lâu sau, Miu đã có bồ, và Trâu cũng có người tình...


viết bởi người đàn ông phong lưu đa tình