Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Trò gì đây? HS gỏi? HS trung bình? HS kém?



tín nhiệm, Quốc hội, bỏ phiếu, cử tri
tín nhiệm, Quốc hội, bỏ phiếu, cử tri
tín nhiệm, Quốc hội, bỏ phiếu, cử tri

Muốn bình luận quá đi, nhưng viết chẳng hay nên copy bài của người ta bỏ vô đây

RFA Blog 12-6-13

Đằng sau việc lấy phiếu tín nhiệm là gì?

Kami
 Cuối cùng việc Quốc hội công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp do cơ quan dân cử cũng đã được công bố vào sáng 11.06.2013. Kết quả này phần nào cho thấy các đại biểu quốc hội ở Việt nam đã được thực hiện quyền lực của họ được ghi nhận trong Hiến pháp. Đáng chú ý, đây là việc làm xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử 67 năm của Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt nam và sau 12 năm khi quyền bỏ phiếu tín nhiệm này được chính thức đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội.
Cái được
Phải thừa nhận, kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này chính là biểu hiện một xu thế dân chủ trong Quốc hội, phần nào nó cũng xóa ta nỗi ngờ vực của không ít người khi cho rằng đây là một trò hề nhằm lừa bịp dư luận của chính quyền. Cho dù chúng ta đều đều biết rằng 90% các đại biểu Quốc hội là đảng viên và  họ có trách nhiệm phải thông qua các quyết định của đảng chỉ đạo. Tuy nhiên, có người cho rằng với ba cấp lựa chọn tín nhiệm là một lựa chọn bắt buộc cần phải có trong môi trường chính trị nhạy cảm như ở Việt Nam. Thì đây được đánh giá rằng là một bước tiến về phía dân chủ. Vì kể từ khi quyền bỏ phiếu tín nhiệm này được chính thức đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội, từ tháng 11.2001 đến nay, thì đây là lần đầu tiên Quốc hội mới có cơ hội thực hiện của mình. Và kết quả công bố chính thức đã  cho thấy các đại biểu đã thể hiện được chính kiến, vai trò của mình thông qua việc bầu chọn. Cũng với kết quả số phiếu tín nhiệm thấp của một số các nhân vật lãnh đạo cao cấp "nổi cộm" đã phần nào thể hiện đúng sự tín nhiệm của dư luận xã hội đối với từng cá nhân trong số 47 vị về vai trò, kết quả công việc của họ với chức trách mà họ đang đảm nhiệm. 
Như trường hợp có tới 209 đại biểu không tín nhiệm Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hay là 160 đối với ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ những ví dụ. Điều đó cho thấy Quốc hội đã thể hiện quyền lực của mình và không hề nương tay đối với các cán bộ lãnh đạo từ cơ quan Hành pháp. Đồng thời phần nào cũng giúp chúng ta thấy được góc nhìn của các đại biểu Quốc hội phần nào cũng gần với cách đánh giá của dư luận xã hội. Hay nói cách khác, một phần nào đó thể hiện sự nhìn nhận của Quốc hội và của người dân đối với những việc các thành viên chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm được cũng như chưa làm được. Điều này cho thấy, đây là một cuộc bỏ phiếu kín hầu như không chịu áp lực chính trị và định hướng của người cầm đầu như đã từng xảy ra trước đây. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, vì dù sao việc làm này cũng là lời cảnh báo của Quốc hội đến những người có tên trong danh sách bỏ phiếu về những việc làm của họ trong thời gian qua.
Cái chưa được
Việc các lá phiếu của các đại biểu Quốc hội được chia làm ba loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp cũng là một điều đáng bàn. Đây là một cách lựa chọn không giống ai và không thấy bất kỳ ở đâu. Nghĩa là tất cả các phiếu đều là tín nhiệm, không có phiếu bất tín nhiệm. Với cách làm này, nhiều người cho rằng đây là một sự tránh né có chủ ý của chính quyền, qua đó nhằm tạo điều kiện cho một số người có số phiếu tín nhiệm thấp có lối thoát hiểm. Và đây cũng là cách để chính quyền có thể tránh những đánh giá bình luận không hay sau khi  kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố. Cuối cùng để cho thấy kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm đạt được là hoàn toàn tốt nhằm tạo sự tin tưởng cho dư luận xã hội và người dân. Mà họ không nghĩ rằng, đây là sự thể hiện việc vô trách nhiệm của ban lãnh đạo đảng CSVN. Điều này cho thấy họ không muốn kỷ luật ai về trách nhiệm để tình trạng kinh tế đất nước rơi vào suy thoái, khủng hoảng trầm trọng và vấn nạn tham nhũng đang diễn ra tràn lan như hiện nay. Cho dù trước đây không lâu, nền kinh tế Việt nam đã từng là một nền kinh tế hoạt động vào loại tốt nhất châu Á
Một điểm rất đáng được nhắc tới là, dù Quốc hội có tới 498 đại biểu tham gia bỏ phiếu, song kết quả kiểm phiếu đợt “lấy phiếu tín nhiệm” đầu tiên này cho thấy, có rất nhiều đại biểu không bày tỏ chính kiến. Vì hầu hết trong số 47 cá nhân được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, nếu cộng toàn bộ số phiếu cả 3 loại mà các đại biểu Quốc hội đã bỏ cho mỗi vị, thì có thể thấy tổng số không đạt con số 498. Có nghĩa là có một số đại biểu Quốc hội không bày tỏ chính kiến của họ đối với các nhân vật này. Do đó không thể xác định được con số chính xác cho “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, hoặc “tín nhiệm thấp”.
Nếu hiểu 3 tiêu chí trong lá phiếu tín nhiệm là: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp được thay bằng việc đánh giá một cách thông thường mà chúng ta vẫn thấy trong các phiếu thăm dò là: tín nhiệm, bất tín nhiệm  và không có ý kiến thì sẽ thấy rõ được nhiều vấn đề qua công việc này. Cũng bằng các kết quả rõ ràng như thế sẽ giúp cho việc quyết định các chức danh lãnh đạo cao cấp do cơ quan dân cử bầu ra ai sẽ đi và ai sẽ ở. Đây là mục đích cuối cùng của việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu dựa trên nguyên tắc, những người có quá bán số phiếu đại biểu Quốc đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức. Ai có trên 2/3 đại biểu đánh giá là tín nhiệm thấp (bất tín nhiệm) thì Quốc hội có quyền bỏ phiếu để bãi chức. Tuy nhiên tính hình thức của việc làm này vẫn bao trùm, trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, tất cả 47 chức danh lãnh đạo đều "thoát hiểm", kể cả khi họ không đạt tỷ lệ quá bán để có thể phải chịu những hình thức kỷ luật.
Đằng sau việc lấy phiếu tín nhiệm là gì?
Như trên đã nói, đây là lần đầu tiên sau 12 năm các đại biểu Quốc hội thực hiện trách nhiệm của mình kể từ khi quyền này được đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội, 11-2001. Đây hoàn toàn không phải là một vấn đề ngẫu nhiên, mà chắc chắn việc bỏ phiếu tín nhiệm không thể bỏ qua một mục đích khác của việc bỏ phiếu tín nhiệm và phục vụ cho một mưu đồ của một vài thế lực trong đảng là điều có thể khẳng định. Vì thông thường muốn hạ bệ nhau, thì trong chính trị người ta sẽ dùng chiêu lấy phiếu tín nhiệm để hợp pháp hóa ý đồ của mình. Trong bối cảnh chính trị Việt nam hiện nay, người ta cho rằng trước  đây phe bảo thủ muốn mượn diễn đàn Quốc hội để bôi nhọ cơ quan Hành pháp và hạ bệ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đấy chính là lý do vì sao việc lấy phiếu tín nhiệm lại được đồng thuận cao sau khi kết thúc Hội nghị TW 6 - tháng 10.2012. Đó là lúc có thể coi là đỉnh điểm của mâu thuẫn trong đảng.
Khi đó, sau khi kết thúc Hội nghị TW 6 người ta thấy ở Hà nội Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ở Sài gòn Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đồng loạt tiến hành gặp gỡ các cử tri và cán bộ lão thành cách mạng để "bêu" xấu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Như việc Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang sách mé khi ám chỉ Thủ tướng Dũng là đồng chí X, hay việc ông  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không tin tưởng kết quả lấy phiếu tín nhiệm, khi nói với cử tri Hà Nội rằng “Có khi người tốt bị loại, anh cơ hội lại có phiếu cao”. Đây là một vấn đề hoàn toàn không phải tình cờ hay bình thường, mà là những việc làm có chủ ý Điều đó cho thấy, khi đó phe bảo thủ rất hy vọng ở cuộc bỏ phiếu này sẽ hạ bệ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và mâu thuẫn bộc lộ càng gay gắt, thể hiện rõ nhất gần đây, khi Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp ra thông báo về ý kiến thống nhất của Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội về việc đưa ra bản Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi sẽ không có gì thay đổi nhiều so với bản Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi (lần thứ 1). Thì phía Chính phủ vẫn khẳng định bảo lưu ý kiến của mình, đó là Hiến pháp phải sửa đổi theo chiều hướng quyền lực cao nhất phải thuộc về nhân dân. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Quốc hội đã tránh việc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị sắp tới bằng cách sẽ vẫn để cho ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại vị. Cho dù điều đó vẫn thấp hơn nhiều so với tham vọng ghê gớm của ông Dũng hiện nay.
Tuy vậy, phải thừa nhận kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này, người đứng đầu là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị 30% đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp, một kết quả của sự thất bại. Phân loại phiếu đánh giá, thì ông Dũng được 160 phiếu tín nhiệm thấp, so với 28 phiếu của ông Trương Tấn Sang và 25 phiếu của ông Nguyễn Sinh Hùng. Nếu theo cách của những người làm poll (thăm dò dư luận xã hội) thì Quốc hội đã cho điểm đối với ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là: tín nhiệm với số phiếu 210, bất tín nhiệm 160 và không có ý kiến là 122. Với con số bất tín nhiệm và không có ý kiến là 282 phiếu, chiếm khoảng 66,4%. Đây là một chuyện không nhỏ đối với một chính khách có lòng tự trọng. Đó là còn chưa nói tới việc họ đánh giá rằng bốn người đội sổ, theo thứ tự, là Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ  Luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị  Kim Tiến. Nhưng nhờ kết quả ngoạn mục của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm lợi ích thu được qua kết quả của Hội nghị TW 7 vừa qua cũng khiến các phe phái bất đồng cũng phải chấp nhận. Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất cũng chỉ là cái danh hão, quan trọng là Ban Chấp hành TW mà ông Dũng chiếm đa số ghế sẽ quyết định những vấn đề gì.
Kết
Qua kết quả bỏ phiếu tín nhiệm vừa công bố, là thắng lợi của các ông Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Quốc hội sau những thất bại trong các hội nghị Trung ương đảng gần đây. Đồng thời nó là một thất bại đau đớn đã làm tổn hại uy tín đáng kể của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là mục đích cao nhất khi người ta đồng thuận chấp nhận cho việc lấy phiếu tín nhiệm từ năm 2012. Nhưng cho dù  kết quả này cũng không thể nào thay đổi thế và lực cũng như tầm ảnh hưởng của ông ta và phe nhóm đối với chính trường Việt nam trong lúc này. Nhưng đó là một vết thương không dễ mà lành. Chắc chắn ông Thủ tướng Dũng sẽ tìm cách rửa hận trong thời gian ngắn nhất có thể được. Vì thù dai nhớ lâu là một trong những nhược điểm của Thủ tướng Dũng.
Cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm lãnh đạo cao cấp trong đảng nhằm tranh giành quyền lực sẽ tiếp tục tiếp diễn, hầu như sẽ không có hồi kết. Nhóm lợi ích do ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải xử lý các thành viên chính phủ có số phiếu tín nhiệm quá thấp thế nào là vấn đề nan giải. Mọi vấn đề xử lý các thành viên chính phủ nói trên đồng nghĩa với việc chấp nhận sai, là sự thất bại của cả phe nhóm. Không dễ gì mà ông Thủ tướng sẽ xuống tay chặt tay chân của mình. Ngược lại nếu cứ lờ đi không giải quyết thì nghiễm nhiên là một hành động đổ dầu vào lửa, sẽ khiến mâu thuẫn giữa các phe nhóm ngày càng sâu sắc hơn.
Người Việt có câu "Ba đánh một chẳng chột cũng què", bây giờ trong tứ trụ đã xảy ra chuyện ba ông liên kết để cùng nhau phang đồng chí X.
Dù keo này có chột hay què, hoặc không chột không què thì dứt khoát cũng có bên phải thua.
Ngày 12 tháng 6 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

http://www.viet-studies.info/kinhte/DangSauLaGi_RFA.htm

Không có nhận xét nào: