Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Đặng Hùng Võ: Thông qua luật đất đai: Ý kiến của dân và những điều cần suy ngẫm




Thứ sáu, 21/6/2013 9:35 GMT+7
Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng vì luôn gắn với quyền và lợi ích của dân. Hầu như mọi lần thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đều quyết định lấy ý kiến của dân. Trong mọi lần lấy ý kiến của dân về Luật Đất đai, rất nhiều người dân hăng hái tham gia trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng rồi khá nhiều người đều có tâm lý thấp thỏm rằng những ý kiến chí lý, chí tình của mình liệu có lên được tới Quốc hội. 
Khi lấy ý kiến của dân về Luật Đất đai năm 2003, có những ý kiến đau đáu được viết ra tới hơn trăm trang, còn những ý kiến cỡ chục trang thì rất nhiều. Khi thông qua Luật Đất đai sửa đổi lần này, các cơ quan quản lý cũng đếm được tới hơn 6 triệu ý kiến. Hơn nữa, nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp, xã hội cũng đã bỏ tiền riêng của mình để tham gia vào công việc trọng đại lấy ý kiến của dân về pháp luật đất đai. Tôi cũng được nhiều tổ chức mời tham gia với dân với tư cách một chuyên gia. Được đi nhiều, nhìn thấy nhiều và gặp gỡ nhiều trên hầu hết các vùng miền của đất nước, tôi hiểu thực sự những trăn trở, những lo âu, những mong đợi của người dân.

Nhiều người có tuổi, từng trải, bôn ba nhiều nay về quê hưởng tuổi già cũng vẫn chưa yên lòng khi Luật Đất đai được thông qua dựa trên nền của Hiến pháp hiện hành. Kể từ năm 2005, khi Bộ luật Dân sự quy định quyền sử dụng đất là tài sản của hộ gia đình, cá nhân thì cơ chế Nhà nước thu hồi đất của người này để giao cho người khác vì lợi ích kinh tế là không phù hợp với Hiến pháp 1992. Đến nay, Hiến pháp 1992 sửa đổi sắp được thông qua với nhiều ý kiến trái chung quanh cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì mục đích kinh tế. Họ cũng biết rất rõ rằng đừng nên gắn khái niệm “kinh tế” vào khái niệm “xã hội” trong tiêu chí Nhà nước thu hồi đất vì mục đích “phát triển kinh tế, xã hội”. Có ý kiến mà VTV đã đưa lên “Vì mục đích phát triển xã hội, người dân đồng tình nhưng vì mục đích kinh tế gắn với lợi ích của nhà đầu tư thì người dân không thể đồng tình”. Luật Đất đai phải được thông qua trên cơ sở Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua, có như vậy mới bảo đảm nguyên tắc chủ yếu trong vận hành một Nhà nước pháp quyền.

Tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn, một mặt Hiến pháp cần xác định rõ quyền được tiếp cận đất đai của mỗi con người, Nhà nước chỉ can thiệp vào việc lấy đất thông qua các cơ chế Nhà nước trưng thu, trưng dụng, trưng mua quyền sử dụng đất trong từng hoàn cảnh cụ thể. Mặt khác, Luật Đất đai đừng loay hoay nhiều với cơ chế Nhà nước lấy đất của người này để giao cho người khác vì lợi ích riêng, cần tập trung vào đổi mới cơ chế tự thỏa thuận theo hướng nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng những người đang sử dụng đất với sự đồng thuận của cộng đồng để khắc phục trường hợp một số người muốn quá nhiều so với đất đai mình đang sử dụng. Một trong những nguyên tắc của phát triển bền vững là xây dựng tính đồng thuận trong quá trình phát triển. Khi đã đồng thuận thì tham nhũng của quản lý và khiếu kiện của dân đều sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, khi lấy đất quá dễ thì sẽ gây ra phát triển rất nóng, đó là nguồn cơn của lạm phát và ế thừa bất động sản cao cấp như hiện nay chúng ta đang phải đối mặt.
Nói về cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì mục đích kinh tế, nhiều ý kiến còn e ngại rằng đang làm thiếu đi trong hệ thống pháp luật đất đai mục tiêu xây dựng đất nước của dân, do dân, vì dân và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của chúng ta. Con người luôn gắn với đất, dân luôn sống trên đất, chiến đấu vì mảnh đất nên họ cho rằng những mục tiêu lớn lao đều cần được thể hiện cụ thể ngay trên từng thửa đất. Hơn nữa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang buộc chúng ta phải thể hiện rằng Việt Nam là đất nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ mà câu chuyện này luôn được đặt vào các thị trường nguồn lực. Trước hết, thị trường quyền sử dụng đất phải thể hiện tính đầy đủ theo cách hiểu phổ cập trên thế giới hiện nay.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã đạt được xác định trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng như sửa đổi Luật Đất đai. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng không nên hiểu một chiều là “sở hữu toàn dân” đồng nhất với tăng cường “quyền lực của Nhà nước” đối với đất đai. Vế thứ hai của “sở hữu toàn dân” về đất đai cần được nhấn mạnh là quyền tham gia của người dân vào các quyết định của Nhà nước về đất đai, vào quá trình quản lý đất đai, vào giám sát việc thực thi pháp luật đất đai và vào nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Sự tham gia của người dân (nơi có đất chịu tác động của chính sách) là một yếu tố quyết định tính đồng thuận của xã hội. Sau khi lấy ý kiến của dân, những nguyên tắc chung về sự tham gia của người dân đã được bổ sung nhưng cần cụ thể hơn. Đây là những cơ chế phức tạp, chúng ta cần tới nội dung sự tham gia của người dân chứ không cần không cần hình thức về sự tham gia.
Câu chuyện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn được nhiều ý kiến nói tới nhất. Rất nhiều ý kiến bức xúc về giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định rất thấp, làm thiệt hại cho dân. Cũng nhiều ý kiến cho rằng chúng tôi không muốn “bán đất” vì mất đất là mất hết cơ nghiệp. Pháp luật của chúng ta chỉ tập trung vào câu chuyện bồi thường, hỗ trợ sao cho thỏa đáng là chưa đủ. Khi triển khai Luật Đất đai năm 2003, nhiều địa phương đã quyết định được giá đất khá cao nhưng người dân vẫn bức xúc. Điều quan trọng là chúng ta cần thoát ra khỏi cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên nền của tư duy “mua bán đất đai” bắt buộc để hướng tới những cơ chế tạo nên đồng thuận. Khi đã thoát khỏi tư duy “mua bán đất đai” bắt buộc thì chúng ta cần câu trả lời cho câu hỏi “người mất đất cho dự án đầu tư được gì từ dự án đầu tư?”. Những cơ chế mới sẽ được hình thành chính là câu trả lời này và đó là câu trả lời về sự đồng thuận.

Hiện nay, hầu hết các nước đang sử dụng một cơ chế mang tên “chia sẻ lợi ích” để áp dụng cho các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên như thủy điện, khai thác khoáng sản. Một phần từ lợi ích của dự án được chia sẻ như bồi thường dài hạn bằng tiền hoặc không bằng tiền cho cộng đồng dân cư bị mất đất. Người dân được nhận một phần tiền bồi thường lúc ban đầu, và sau đó luôn có thu nhập và điều kiện sống tốt hơn làm nông nghiệp. Hết thời hạn đầu tư, dự án được chuyển giao lại cho chính quyền địa phương tiếp tục vận hành. Một cơ chế bồi thường khác là “góp đất và điều chỉnh lại đất đai” được áp dụng cho các dự án phát triển và chỉnh trang đô thị. Mọi người mất đất cho dự án đều được bồi thường một phần bằng tiền và một phần bằng diện tích đất hẹp hơn trước đây tính theo tỷ lệ giá đất trước và sau khi hạ tầng được nâng cấp. Người dân tại chỗ tham gia vào quy hoạch lại khu vực như điều chỉnh lại mặt bằng đất đai khi chưa có dự án. Mọi người có đất đều nhìn thấy lợi ích hợp lý của mình do dự án mang lại. Tư duy về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần phải thay đổi để chuyển sang các cơ chế khác tạo đồng thuận cao hơn trong quá trình phát triển.
Loạt ý kiến cũng có số lượng khá lớn là vấn đề Nhà nước định giá đất trong trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Ý kiến của các nhà quản lý thì tranh luận thế nào là giá đất trên thị trường, từ “sát giá thị trường” hay “phù hợp thị trường” là đúng. Ý kiến của người dân thì rất giản dị: nhận được tổng tiền bồi thường và hỗ trợ đem ra thị trường mà “mua” được một mảnh đất tương tự là chấp nhận được. Như vậy, chúng ta lại đang rơi vào hình thức chưa chưa chạm tới được nội dung giá trị mà người dân cầu mong.
Sự thực, quản lý về định giá đất là một nội dung quản lý chuyên môn sâu, cần một phương thức quản lý khác với quản lý hành chính. Quản lý giá đất cũng giống như quản lý một ngành đòi hỏi chuyên môn như chữa bệnh, dậy học, đo đạc, địa chất, v.v. Sự can thiệp của quyết định hành chính cần thu hẹp tới mức đủ để quản lý hành nghề dịch vụ, không quyết định thay về chuyên môn. Các đánh giá về nghiệp vụ và đạo đức cần trao cho cộng đồng chuyên môn quyết định.
Nhằm mục tiêu xây dựng một khung pháp luật đất đai ổn định, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, chủ động hội nhập quốc tế, sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, Luật Đất đai (sửa đổi) cần được tiếp thu ý kiến kỹ càng hơn. Cần xem xét kỹ lưỡng những quy định sẽ tác động đến đời sống đa số người dân mà chưa đạt được sự đồng thuận từ ý kiến của dân. Điều kiện phù hợp Hiến pháp cũng cần được lưu tâm đặc biệt. Điều người dân mong muốn vẫn là sự nghiệp phát triển đất nước luôn là sự nghiệp của toàn dân. 
Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ


Không có nhận xét nào: