Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

Thụy Anh - CÂU CHUYỆN "QUỲ GỐI"

CÂU CHUYỆN "QUỲ GỐI"
👭Ứng xử xã hội với việc bảo vệ trẻ em
Trong câu chuyện có từ khoá "quỳ", "quỳ gối" tuần qua, ban đầu, dư luận phẫn nộ vì trẻ bị bắt quỳ, nhưng rất nhanh chóng, làn sóng phẫn nộ hướng vào phụ huynh đã bắt cô giáo quỳ để trả giá cho hành vi phi giáo dục của mình mà quên bẵng đi những đứa trẻ. Tôi tìm kiếm bằng Google thì hầu hết các kết quả chỉ nói về sự việc sau. Còn có muốn hiểu rõ hơn hoàn cảnh, bối cảnh diễn ra sự việc đầu tiên: cô bức xúc gì, trò đã làm gì khiến cô phải phạt..., thì lật mỏi tay không thấy. Cũng không ít ý kiến cho rằng, cô giáo sai thì cũng có sai, nhưng ai mà chẳng từng dùng đòn roi dạy trẻ, cũng là chuyện "thường ngày ở huyện" thôi. Thậm chí, tôi còn thấy một số thày cô hồn nhiên "giật status" rằng "thời còn đi dạy, tôi đã bạt tai, đã..., đã... - có sao không? Thế bọn chúng mới nên người như ngày nay!"...
Roi vọt, hành hạ thân thể, đay nghiến chửi bới... có phải là một phương pháp giáo dục không?
Tôi xin nói ngay, theo quan điểm của tôi, là không. Và nếu ở thời đại văn minh này, ai đó vẫn cho rằng roi vọt là phương pháp thì đó là một phương pháp tồi. Nguyên lý của nó là đòi hỏi sự thay đổi hành vi và thái độ thông qua việc làm đau về thể xác: một là để "nhớ đời", hai là để "biết sợ". Khi người lớn phải "ra tay" như thế với trẻ, người ấy đang cảm thấy bất lực, không biết ứng xử thế nào để có hiệu quả giáo dục hoặc không kiềm chế được cơn nóng giận. Trẻ con bây giờ cũng không phải trẻ con xưa - những đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ và cảm xúc của họ, không dám cãi một lời. Trẻ con giờ có đủ thông tin hơn, biết về quyền trẻ em, dám nói, có khái niệm khác về mối quan hệ giữa mình và bố mẹ, giữa mình và cô giáo, có bộ giá trị tinh thần của riêng mình - chẳng hạn: danh dự; tự trọng... Các hành động như tát vào má, bắt quỳ, véo tai, dúi đầu - đều là những "nhục hình" mang thông điệp hạ thấp giá trị đứa trẻ. Và đó là điều tối kỵ trong giáo dục. Còn chưa kể đến các vấn đề của các lứa tuổi khủng hoảng. Trẻ con tuổi mới lớn thường nhạy cảm, đôi khi thái quá và cực đoan, nghi ngờ giá trị của chính mình, từ hình thức đến nội tâm. Chính vì thế mới có hiện tượng trẻ tự tử vì những chuyện cãi vã và đồn đại, chuyện hiểu nhầm không đâu...
Mấy năm trước, Vietnamnet mở cuộc tranh luận về chuyện đánh hay không đánh, có đến 67% đòi "đánh" - thật đáng buồn cho khái niệm quyền trẻ em, quyền con người và trình độ về phương pháp giác dục Việt Nam!
Nếu đó là các bậc phụ huynh thì có thể thông cảm: họ không được học nghiệp vụ sư phạm và cái lý thuyết "Yêu cho roi cho vọt" bị hiểu sai lệch theo nghĩa đen!
Nhưng còn giáo viên, những người được học về tâm lý lứa tuổi, giáo học pháp... mà vẫn lười nhác không thể tìm cách tiếp cận khác hơn là đe nẹt, hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ, thì đó là những giáo viên kém chuyên môn, không có lòng tin vào chính mình, thiếu hiểu biết về đứa trẻ, không màng đến tự trọng của người, từ đó cũng đánh mất tự trọng của mình, trong nhiều trường hợp có thể vô tình (vì thiếu hiểu biết) mà phạm tội.
👭Những đứa trẻ quỳ và những người lớn quỳ
Những đứa trẻ hôm nay phải chịu đựng các hình phạt hạ nhục như quỳ gối, "bị bêu" trước lớp... rồi lớn lên cũng lại có lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh để đánh đổi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh làm người mà quỳ gối, bởi ngay ở trên ghế nhà trường, người ta đã không dạy chúng tôn trọng chính mình.
NGUYỄN THUỴ ANH
***********************************
BOX: Trích bài viết cũ -Câu chuyện những hình phạt, Thuỵ Anh, tạp chí Mẹ và bé:
QUYỀN ĐƯỢC SAI VÀ QUYỀN ĐƯỢC SỬA LỖI.
Trẻ con vẫn là trẻ con và vì thế, khác với người lớn, nó có quyền được sai và quyền được tìm cách không sai nữa. Người lớn thay vì nhăm nhăm tìm lỗi hay tệ hơn, bắt những đứa trẻ bơi móc lỗi của nhau – hãy cho trẻ biết thiện chí của mình thông qua việc… đưa ra các hình phạt. Nhân đây, tôi cũng xin nêu quan điểm của mình về việc sử dụng các bạn Sao đỏ và cán bộ lớp như những công cụ phát hiện và báo cáo sai phạm của các bạn. Cán bộ lớp chỉ nên cùng các bạn làm việc nhóm, giao nhiệm vụ cho các bạn, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, nhắc nhở các bạn tuân thủ kỷ luật chứ không thể biến thành công cụ điều hành về kỷ luật của cô giáo.
Ngược lại, nếu đã có thỏa thuận trước thì bất kỳ bạn nào cũng có thể phát hiện ra lỗi sai của một bạn khác, thông báo công khai và cô giáo sẽ xử lý những tình huống đó. Đôi khi “bạo lực học đường” lại bắt đầu từ những câu chuyện “quyền lực” giữa những đứa trẻ.
Theo tôi, để các hình phạt có tác dụng thật sự đối với trẻ, khiến trẻ hiểu rõ vì sao bị phạt, cách không lặp lại lỗi sai và thấy mình được tôn trọng, giá trị của đứa trẻ không bị hạ thấp, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sư phạm . Đứa trẻ có cơ hội được chịu TRÁCH NHIỆM sẽ không mang cảm giác đeo đẳng của một “bị cáo” – là cảm xúc tiêu cực mà không đứa trẻ nào đáng phải chịu!
Lưu ý, khi đưa ra các hình thức phạt đối với trẻ, người lớn cần chú ý đến:
– đặc điểm lứa tuổi. Không nên coi là lỗi nếu sai phạm đó là phản ứng tự nhiên của lứa tuổi. Chẳng hạn, với những bạn lớp 1, 2 mới đến trường, các bé chưa tập trung được lâu, có thể ngủ gục, có thể đứng lên ngồi xuống – bé được nhắc nhở nhưng không nên bị phạt. Những đứa trẻ tuổi dậy thì (13, 14) do sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có thể trở nên ít nói, lầm lì hoặc ngược lại hay cười mà người lớn coi là “vô duyên”. Với lứa tuổi đó, những phản ứng giao tiếp với giáo viên kiểu như thế dễ bị coi là hỗn, tuy nhiên các thày cô có thể nhắc nhở, giải thích bằng hình thức nào đó để trẻ hiểu được cảm giác của người đối diện, thay đổi hành vi ứng xử, chứ cũng không nên phạt các em vì lỗi này.
– những cảm xúc tự nhiên không kiềm chế được: khóc vì buồn, đấm vào tường vì cáu, ngại ngùng không muốn thể hiện..v.v. cũng không phải là lý do bị phạt.
– sự vụng về vì ít trải nghiệm: làm vỡ cốc nước, đánh rơi quả cầu dạy học của cô giáo, làm đổ nước vào vở của bạn khác..v.v.
Trong khuôn khổ nhà trường, việc thưởng phạt luôn cần thiết. Tuy nhiên, phải công bằng, minh bạch và thấu hiểu để trẻ có thể “học qua những lỗi sai”, không sợ sai, không sợ sửa sai, vui vẻ, hạnh phúc với cuộc đời đến trường của mình.
(Thuỵ Anh)

Nguyễn Thụy Anh Đọc comments thấy buồn thật, nhưng thấy thương.
Quản lý
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Trả lời13 giờ
Nguyễn Thanh Huyền Tớ cũng đọc cmt và thất vọng vì nhiều báo tránh bình luận về bản chất vụ việc liên quan đến mqh thầy - trò mà chỉ chăm chăm thu hút nhiều cmt, trong đó rất nhiều cmt bênh vực việc dạy trẻ bằng nhục hình. Vote cho ý kiến của bạn!
Quản lý
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Trả lời7 giờ
Nguyễn Thụy Anh Đọc mà lo lắng. Thật sự tớ đang dần thấy gắn bó với nơi này, đất nước của mình, đọc mấy cái cmt chỉ muốn bỏ đi :))
Quản lý
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Trả lời4 giờ
Nguyễn Thanh Huyền Đừng lo thế bạn hiền ơi! Tớ tin những người đăng cmt tiêu cực trên báo ít hơn rất nhiều so với số có ý nghĩ và hành động tích cực để biến đất nước này thành nơi đáng sống hơn. Họ có thể chọn cách im lặng trên truyền thông để tránh bị tổn thương ko đáng có, nhưng ko dừng bước trong hành động để những nguy cơ xấu quanh con cái họ được kiểm soát. Tớ và rất nhiều bè bạn của chúng ta đã nói ko với giáo dục công lập vì lý do ấy mà ko đồng nghĩa với việc tớ nuông chiều bọn trẻ. Bài báo về ý kiến của bạn là số rất ít bài mà tớ đồng cảm và thấy thuyết phục khoa học.
Quản lý
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Trả lời2 giờ
Hà Nam Ninh Tớ nghĩ là những comments (nhất là trên Zing) đang phản ánh thực sự cái đang diễn ra ở VN. Nguyễn Thụy Anh à! Bạn hiền chẳng thể một mình thay đổi được cái "xã hội tồi tệ" mà chúng ta đang thấy.
Thật là tớ muốn bỏ đi từ lâu rồi ấy!
Tiếc là những ý kiến tốt, thì không được trọng dụng.
Chẳng hạn như cái cách bạn trình bầy - rất hay! Nhưng với nhà quản lý họ tư duy "có lợi cho ai, mình được gì?"
Một ví dụ như cô Minh Hue giới thiệu cho mỏ than Mạo Khê một hệ thống thông gió cực tốt của Pháp. Nhưng họ nhất định mua của Trung Quốc. Giá đầu tư ban đầu thì rẻ hơn, nhưng tuổi thọ thì không bằng 1/10. Nhưng chưa cần nói đến tuổi thọ mới chỉ nói đến tiêu thụ năng lượng điện đã gấp mấy lần. Vậy thực tế không hề rẻ. Nhưng họ cứ mua của Trung Quốc.
Bạn đưa ra ý kiến đúng, nhằm mục đích tạo ra một thế hệ người VN mới văn minh và lịch thiệp. Nhưng họ không quan tâm, họ vẫn cứ duy trì lối mòn bạo lực!

Mỗi lần đọc được chủ đề này cảm thấy cần share. Để nhắc nhở bản thân và Hy vọng mọi người đọc được và thực hiện cách dạy con ko đòn roi. Cả ở trường và ở nhà. Con trai mình là nạn nhân của đòn roi năm lớp 2, dư âm còn mãi, và mình luôn đau nhói mỗi lần nghĩ đến.


Tam Hang Le Thế hệ chị đi học vỡ lòng bị úp mặt vào tương trc lớp, khẻ thước kẻ vào tay là chuyện bt, nhưng chỉ cảm nhận là thâyf nghiêm khắc, chứ ko thấy thầy ghét học trò! Hình phạt ác hay ko đúng là ở thái độ!
Quản lý
Nguyễn Thụy Anh Bọn em cũng thế thôi chị. Tuy nhiên thời đại đã khác rồi, "các thày cô của chúng ta cũng (phải) khác" đi, ko ôm mãi một phương pháp cũ dù là với tình yêu. Trẻ bây h cũng khác, chúng ko phải là chúng ta.
Quản lý
Phong Lan Pham Em cũng đưa ra những câu hỏi về việc cô giáo phạt học sinh quỳ vì tội gì, phạt bao lâu, bao nhiêu lần, khi phạt có phân tích tội lỗi hay sỉ mắng gì không?... Nhưng tuyệt nhiên ko báo nào đề cập mà chỉ chạy theo hướng câu khách. Bản thân em rất quan tâm...Xem thêm
Quản lý
Phong Lan Pham Đọc cmt của zing mà khiếp quá. Một xã hội cổ vũ cho bạo lực, dùng bạo lực để trấn áp nhau thì còn đâu nhân văn nữa.
Quản lý
Loi Hong Diep Giá như có nhiều người như Thuỵ Anh. Tiếc cho bọn trẻ khó có thể lớn lên thẳng thớm được. Rồi đây chúng là những người tạo thành xh thì vn cứ mãi sẽ buồn

Không có nhận xét nào: