Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI SEX

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI SEX
Tóc dài hỏi: Xem phim Nhật thấy: Ồ hoá ra người Nhật họ cũng yêu đương? Tưởng họ chỉ biết làm việc thôi? Có một cái là như kiểu phim Nhật nó cổ vũ phong trào đẻ con hay sao ấy! Cả hai phim đều về học sinh cấp 3 mà chuyện sex rất là chuyện bình thường. Thậm chí 16 tuổi quan hệ không phải là lần đầu. Trong đó có một phim, cô bé đang học lớp 10 có thai bảo muốn sinh con, còn người yêu nghỉ học đi làm bố mẹ cũng không phản ứng quá gay gắt. Thật khó hiểu! Tuy biết là ở Nhật nếu người mẹ trẻ không có việc làm, sinh con, thì phúc lợi xã hội sẽ chu cấp tiền, nhưng mà sao cha mẹ lại phản ứng nhẹ nhàng tới mức như thế?! Với cả ở Nhật có nhiều quy tắc sống, nhưng sao đối với sex thì lại có vẻ thoáng nhỉ?!

Lão xích lô trả lời:
Theo lão nghĩ chuyện phim thì không phải là một cái gì đó quá phổ biến. Hoặc người ta không phải làm phim để cổ vũ cho cái gì đó. Ở xã hội tự do, thì người ta làm phim có thể chỉ là một cốt chuyện nào đó có tính nhân văn dễ đi vào lòng người. Bởi vậy cách nghĩ "phim cổ vũ cho chuyện đẻ" có thể là lệch lạc.
Điều băn khoăn: "Nhật Bản có quá nhiều qui tắc sống, mà chuyện sex lại có vẻ thoáng". Lão cũng không biết giải thích chuyện này thế nào. Tuy nhiên, Nhật Bản là một chế độ thượng tôn pháp luật, do vậy họ tôn trọng quyền con người, do đó chuyện sex cũng là quyền con người, nó không phải là cái thứ gì đó mà nhà cầm quyền hay nhà tư tưởng có quyền cai trị. Còn về các qui tắc sống, qui tắc giao tiếp, qui tắc làm việc thì lại là văn hóa truyền thống.
Nhân sinh quan của người Nhật Bản khác người VN lắm. Với họ chuyện lập gia đình, sinh con đẻ cái không hề quan trọng. Họ muốn sống một cuộc đời theo ý mà họ muốn, và họ hưởng thụ hạnh phúc theo cách mà họ muốn. Nếu có lập gia đình thì phải đạt một số tiêu chuẩn nào đó, chẳng hạn như phải bình đẳng trong cuộc sống... Họ hàng cô dì chú bác, cha mẹ cũng không bao giờ thúc giục con cái phải lập gia đình.
Tuy là họ không lập gia đình, nhưng họ cũng không sống cô đơn và khô khan. Họ vẫn từng cặp đôi nam nữ ở với nhau, nhiều năm mà không cưới. Mọi người gọi là "sống thử". Và đặc biệt họ tôn trọng quyền cá nhân của nhau mặc dù cùng chung sống trong một mái nhà.
Bởi vậy, có lẽ cái cách họ nghĩ về sex cũng không quá nặng nề. Từ đó cũng sẽ không có những thảm họa giống kiểu ở những nơi coi sex là cái gì đó quá nghiêm trọng. Ở VN, hay có cái kiểu: "chia tay đòi quà", "chia tay cởi quần áo", hay "chia tay uống thuốc tự tử"... một số nơi vẫn còn trò "cắt tóc, bôi vôi" rất phản nhân loại... những chuyện đó xảy ra đều do là tư tưởng bị tù ngục mà nảy sanh ra.
Trung Quốc xưa đề ra một loạt các tiêu chuẩn "công dung ngôn hạnh", "tam tòng tứ đức", "liệt nữ trung trinh"... gì gì đó để tôn vinh phụ nữ. Những cái đó cũng nhiễm nặng sang VN. Rất nhiều người VN đến nay vẫn còn cho đó là đỉnh cao đạo đức. Nhưng thực chất những cái đó là tù ngục tư tưởng, phản nhân loại, và chính là mầm mống của tội ác. Bởi con người sống trong xã hội thì không thể dập khuôn theo một công thức nhất định nào cả. Mọi người nên sống vui và hạnh phúc ở hiện thời, từng giây từng phút, chứ không nên ép mình theo những "khuôn vàng thước ngọc" rồi làm khổ mình và làm khổ những người xung quanh.
Tuy nhiên, khi sống độc lập xa gia đình cha mẹ, mọi người cũng nên sống sao cho đẹp. Sống quá phóng túng, thì thị phi nhiều, bản thân cũng khó mà chịu đựng nổi.
Quan trọng là tư tưởng của mỗi người phải được tự do. Mỗi người nên giải phóng tư tưởng của mình. Tư duy của mình là độc lập của riêng mình. Đừng để bị ảnh hưởng bởi bày đàn.
Người VN bị bệnh bày đàn nên đi đâu cũng bày đàn. Ở trong nước thì bày đàn quá tả. Chẳng hạn như mấy cô mấy bác hàng xóm hay tụ vạ rồi xì xầm chuyện cô kia có bồ, ông kia có vợ bé, đó là kiểu bầy đàn quá tả. Bày đàn xì xầm bàn tán những chuyện thị phi không có lợi gì cho họ nhưng sẽ làm hại thảm khốc người khác!
Ngược lại, sinh viên VN đi ra nước ngoài thì lại bày đàn quá hữu. Vừa ra nước ngoài "chân ướt chân ráo", nhìn thấy cách sống của người ta, vội vàng hiểu một cách sơ sài, thế là bắt chước sống, nhưng lại quá đà thành phóng túng. Chuyện sex lại thành như gà vịt với nhau cả lũ, rồi lại tưởng như thế là hay.
Khi xem những bộ phim của những thế giới tự do, bao giờ họ cũng rất đề cao tính nhân văn. Bản thân mình hãy Âu hóa tư duy của mình, phấn đấu rèn luyện để Tự Mình Đạo Đức. Đó là sao? Đó là tự thấy xấu hổ khi mình sai, mặc dù không ai biết chuyện mình sai, không ai chê trách, nhưng tự mình thấy như vậy là không được. Phấn đấu làm đúng, trung thực để tự thấy mình hạnh phúc chứ không phải để mong đợi người khác khen ngợi. Âu hóa tư duy để vươn tới những phẩm chất nhân văn. Nhưng hãy để mọi người bạn bè thế giới nhìn thấy mình vẫn nhận ra mình là một người VN.

Làm giàu tri thức, mỗi người sẽ tự biết cách điều chỉnh mình sống đẹp và sống hạnh phúc.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Thuật giả kim rất đơn giản

"Thuật giả kim rất đơn giản, toàn bộ nội dung chỉ viết trên một phiến ngọc lục bảo"


Truyện "Nhà giả kim thuật" của tác giả Paulo Coelho.
Mở đầu câu chuyện là sự tích hoa thủy tiên được thêm thắt. Cái mở cực ngắn, thú vị! Cái mà mình vẫn tưởng hóa ra không phải thế!
Khởi động câu chuyện là cậu thanh niên chăn cừu Santiago. Trong đoạn khởi động, có một triết lý thứ nhất: "Đàn cừu chỉ cần ăn và ngủ và cần cái roi của người chăn cừu." Một triết lý thứ 2: "Người chăn cừu hài lòng với cuộc sống hiện tại. Dường như quá quen với nó và không muốn thay đổi".
Bước ngoặt thứ nhất của câu chuyện là 2 lần liên tiếp cậu Santiago mơ về kho báu ở Piramid. Trong cậu khởi lên ý nghĩ muốn tìm kho báu. Bài học đầu tiên khi cậu đi xem giải bói giấc mơ, đó là: "khi mình hứa cho người khác cái mà mình chưa nắm được trong tay thì mình sẽ chẳng nhận được gì."
Cậu gặp Melchisedek vua xứ Salem, cậu trả cho vua xứ Salem 6 con cừu để đổi lấy một quyết định, một quyết định do chính tự cậu quyết định: Bán cả đàn cừu, bỏ nghề chăn cừu, để đi đến Piramid tìm kho báu. Bài học thứ 2 là một bí mật rằng: "Khi mình muốn cái gì, mình rất muốn cái đó, mình luôn muốn nó thì mình sẽ tạo ra một lực hấp dẫn để cả vũ trụ xắp xếp cho mình làm được cái đó."
Bí mật trên đây là xương sống triết lý của cả câu chuyện. Và BÍ MẬT này rất thật! Nó thật luôn đối với con gái của ba đấy! Con đã muốn được đi du học từ năm lớp 5. Và con luôn muốn điều ấy. Con luôn tha thiết muốn điều ấy trong suốt nhiều năm qua. Và vì thế cả vũ trụ này đã vận động để thực hiện điều con muốn. Người ta gọi đó là "BÍ MẬT về ĐỊNH LUẬT HẤP DẪN".
Santiago lần đầu tiên sang Châu Phi, mặc dù nơi đó chỉ cách Espana quê hương cậu có 2 giờ đi tàu thủy. Ngày đầu tiên ở Châu Phi cậu bì lừa lấy mất sạch số tài sản mà cậu có. Và cậu đã khóc vì cảm thấy ông trời quá nghiệt ngã với cậu. Và cậu đã nhận ra một triết lý:
“Mình như mọi người thôi: nhìn thế giới và thấy theo ý mình muốn chứ không phải như trong thực tế.”
Rồi cậu Santiago đó tự đặt câu hỏi cho mình: "Mình có thể nhìn cả thế giới bằng con mắt của một kẻ khốn khổ bị cướp sạch hoặc với con mắt của kẻ phiêu lưu đi tìm kho tàng". Thế rồi cậu đã trả lời và đã vượt qua thử thách nghiệt ngã đầu tiên để bước tiếp.
Bài học thứ 3 ở đây là khi mình quá hào hứng nhìn thế giới bằng cách mình muốn như thế thì mình rất dễ dàng bị lừa.

Bài học tiếp theo là khi mình bị đẩy vào bước đường cùng thì nên lạc quan tìm cách vượt qua nó. Tất nhiên ngay thời điểm phát hiện ra mình mất hết tất cả thì tâm lý bị sốc, thì hãy cứ khóc cho thoải mái. Khóc xong rồi thì tìm cách nghĩ lạc quan để tiếp tục tiến lên.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Sống hòa hảo thân thiện, nên chăng?

Sống hòa hảo thân thiện, nên chăng?
Tóc dài hỏi: Lão xích lô này, chị thấy VN cứ đánh nhau liên miên, như vậy thì dân khổ chứ được gì!
Lão xích lô: Hôm trước lão đi ngang qua quốc đảo Réunion, anh em trên tàu nói vua Thành Thái và vua Duy Tân ở đó. Tuy nhiên hình như là ở Réunion chỉ có mộ vua Duy Tân thôi. Còn vua Thành Thái thì sau có hồi hương và qua đời ở Việt Nam.
Tên thật của vua Thành Thái là Bửu Lân thì phải!
Vua Bảo Đại thì tên là Vĩnh Thụy thì phải. Tra xem trên mạng tên thật của mấy ông vua triều Nguyễn thì sẽ biết vai vế của họ thế nào.
Vua đầu tiên là Gia Long, tên thật là Nguyễn Phúc Ánh.
Vua thứ 2 là Minh Mạng, tên thật là Nguyễn Phúc Đảm thì phải. Từ sau Minh Mạng thì đặt tên theo bài “Đế hệ thi”, lão nhớ 2 câu đầu của Đế Hệ Thi là:
“Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Tường
…”
Sau vua Minh Mạng đến vua Thiệu Trị, hình như tên thật là Nguyễn Phúc Miên Thẩm. Tất cả những ai có chữ Miên đều là con trai của Minh Mạng. Đến vua Tự Đức thì là Hồng Nhậm thì phải? Tất cả những ai có chữ Hồng thì là cháu nội (giai) của Minh Mạng. Cháu gái thì không được đặt theo Đế Hệ Thi.
Bài thơ “Đế Hệ Thi” có 4 câu, mỗi câu 5 chữ, tổng số 20 chữ. Minh Mạng làm bài thơ đó ý nói họ Nguyễn làm vua đến đời thứ 20+2 (vì Minh Mạng đã là đời vua thứ 2). Nhưng mới đến đời 5+2, tức là Vĩnh Thụy (Bảo Đại) thì là kết thúc rồi.
Vua Gia Long cha của Minh Mạng cũng là một người giỏi, nhưng tiếc là không Âu Hóa. Nếu ông ấy Âu Hóa và tiến bộ, hẳn ông ấy đã trao ngôi vua cho con trai cả là học trò của thày phương tây. Và có thể may ra VN đã bắt tay với người Pháp từ thời đó và có thể đã tránh được mấy cuộc chiến tranh đổ máu suốt mấy trăm năm qua.
Thailand nằm gần ngay VN, quy mô dân số và diện tích là tương đương. Nhưng vua Thailand thông minh hơn vua VN hay là do con người Thailand hòa hảo hơn con người VN? Không biết vì lý do nào nhưng Thailand tránh được tất cả các cuộc chiến tranh đổ máu. Pháp đến Thailand cũng bắt tay, Anh đến cũng bắt tay, cho phép truyền đạo, cho phép Âu Hóa, cho phép tiến bộ, chứ không khư khư giữ “khuôn vàng thước ngọc” để rồi đẩy đất nước vào chiến tranh ly loạn như VN và TQ.

Từ đó cho thấy trước tiên nên vui vẻ với nhau, học tập lẫn nhau, rồi hợp tác với nhau, cùng tiến bộ, chứ đừng bao giờ cho rằng mình là nhất để rồi tự chuốc lấy khổ đau phải không nhỉ!

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Trọng người, trọng ta

Trọng người, trọng ta
Tóc dài hỏi: Lão xích lô này, chị thấy ở VN có câu "giàu thì nó nể, nghèo thì nó khinh, quyền thì nó sợ", người đối với người đều như vậy à?
Lão xích lô: Chị xem hai hình ảnh thế này:
1/ Obama lên một chiếc trực thăng, khi bước lên cầu thang trực thăng người cảnh vệ đứng nghiêm chào ở chân cầu thang. Obama đi thẳng lên vào buồng lái bắt tay chào “pilot”. Xong quay trở lại xuống cầu thang ôm và bắt tay người cảnh vệ. Xong mới lại bước lên vào bên trong trực thăng.
2/ Họp Quốc Hội cách đây vài năm, đại biểu lôi Vinashin, Vinaline, Bô-xít Tây Nguyên ra bắt đền Nguyễn Tấn Chúa (đương chức tông tông). Ngồi ngay hàng ghế đầu, cái mặt bự, tóc đen nhánh chải mượt, cái mặt bự kên kên, toàn thân rung rung như chuẩn bị bốc lửa, hai tay đập đập xuống hai thành ghế để kìm cơn giận.
Theo chị: Hình ảnh nào đáng trọng, hình ảnh nào đáng khinh?
Người ta có những ứng xử đáng trọng là bởi người ta tôn trọng con người.
Người VN mình cứ bảo là theo đạo Phật, nhưng ngay lời đầu tiên Phật dạy rằng "mọi chúng sinh đều công bằng như nhau" thì người VN đã bắt chước ngay người TQ, coi rẻ câu đó của Phật rồi.
Cả ngày cứ mê tín cúng bái, cầu siêu, giải hạn, nghinh sao tốt, giải sao xấu, cúng cầu an,... bao nhiêu trò, thì lại tự cho mình là Phật giáo. Trong khi lại chẳng coi lời Phật dạy ra gì. Ai ai cũng cứ khinh khỉnh với tất cả mọi người khác và rất dễ bị bày đàn xúi giục làm những chuyện bậy bạ. Phật dạy: "mọi chúng sinh công bằng như nhau", nhưng không nghe mà chỉ thấy "giàu thì nó nể, nghèo thì nó khinh, quyền thì nó sợ".
Obama mặc dù là người pha 2 dòng máu, bố người Kenya, mẹ người Hawaii, nhưng được hấp thu nền giáo dục tốt nên bản chất rất trọng nhân quyền.
Vì vậy có những hành vi rất đáng để coi trọng.
Thiết nghĩ mình cũng nên học cách trân trọng con người, trân trọng người khác! Mình trân trọng mọi người, có những hành vi và lời nói thể hiện sự tôn kính đối với người khác thì mình sẽ được quả báo ngược lại. Nhân quả công bằng là vậy. Đừng bao giờ thấy người khác nghèo mà khinh, đừng bao giờ thấy bạn bè học kém mà coi rẻ phải không! Mỗi người một năng khiếu. Có thể chị học giỏi toán nhưng môn nữ công chị không bằng người khác, vậy đừng chê bạn học kém toán phải không!
Mỗi khi thấy người lớn thì nên nhanh nhảu chào.
Nhiều người thấy người ăn xin, thì cũng cho, nhưng khi cho thì quay lưng lại với người ta và thảy xuống như thảy đồ vào thùng rác. Cho như vậy thì đừng cho còn hơn. Vì hành động khinh người sẽ làm cho mình mất phước đấy nhỉ!

Thiết nghĩ nên gắng học cách coi trọng con người giống như người Germany, người Nhật và những người ở thế giới hiện đại nhỉ!

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Trò chơi ở VN

Đối thoại 2: Gameshow ở VN?
Tóc dài hỏi: Lão có vẻ giỏi hùng biện, có dám thi hùng biện với chị không?
Lão xích lô trả lời: Ở mình có những cuộc thi rất lạ! Không biết nó là năng khiếu gì và mục đích là gì? Chị muốn rủ lão thi "hùng biện" ở Thăng Long chứ gì. Ừ thì thôi cũng là năng khiếu "chém gió". Chọn ra nhân tài "chém gió". Vì bọn đ... cần mấy tay chém gió hay. Không cần biết mấy gã đó có làm được gì hay không, nhưng chém gió hay là sẽ mị dân tốt. Người ta vẫn bảo "đừng nghe cs nói, hãy xem cs làm". Tuy nhiên, cũng ít người hiểu được câu đó, nên cs vẫn cần những tên chém gió tốt.
Nghe đâu cuộc thi hùng biện ở Thăng Long đặt tên là SOCRATES.
Cuộc thi hùng biện mà mang tên SOCRATES thì rất không đúng. Vì SOCRATES không phải là một nhà hùng biện. SOCRATES là một TRIẾT GIA. Có lẽ ông ấy là một trong những TRIẾT GIA vĩ đại nhất!
Theo đánh giá của thế giới TRIẾT HỌC. Ở khu vực Đông Nam Á, cho đến nay, hình như mới có Trần Đức Thảo được coi như là một triết gia. Một vài người khác được đánh giá là những người nghiên cứu triết học. Còn lại, đa số những vị làm trong Viện Triết Học VN từ trước đến nay đều mù tịt về Triết. Chẳng hạn điển hình là Nguyễn Trọc Phú, luôn tự vỗ ngực là giáo sư, nhưng thực ra là mù tịt về triết.
SOCRATES có một câu như thế này mà người ta hay nói đến: "The only thing I know that is I don't know anything".
Nhưng Châu Âu có được văn minh, dân chủ, thượng tôn pháp luật như ngày nay là đều bắt đầu từ SOCRATES và học trò của ông ấy là PLATO.
Mình ước gì người VN chuyển đổi sang "tư tưởng Âu Hóa", thì xã hội sẽ được văn minh mà không còn man rợ như hiện tại.

=====


Triết gia Trần Ðức Thảo: thơm mãi cỏ Khang Thành
Kiều Mai Sơn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Nguyễn Du) 
Những ngày đầu tiên chính thức trở thành sinh viên trường Ðại học Sư phạm Hà Nội, trong tuần sinh hoạt chính trị đầu năm học 2005 - 2006, tôi được nghe GS. TS Ðinh Quang Báo nói chuyện về truyền thống vẻ vang của nhà trường. Từ câu chuyện của thầy hiệu trưởng, tên tuổi những nhà giáo, nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam với tài năng và đức độ đã xây nền đắp móng lập nên trường ÐHSP Hà Nội – “máy cái” của nền giáo dục cả nước - cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi: GS Cao Xuân Huy, GS Ðặng Thai Mai, GS Ðào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Trương Tửu, GS Phạm Huy Thông, GS Trần Ðức Thảo, GS Lê Văn Thiêm… Tôi đã “gặp” các thầy từ trong sách vở, từ trong những câu chuyện khi “lê la” hỏi chuyện nhiều người mà tôi đã từng được gặp gỡ.

Triết gia Trần Ðức Thảo là người tôi được nghe kể với nhiều giai thoại và ngậm ngùi, tiếc nuối. Cuộc đời ông như một trích tiên biếm trần, cốt cách của ông vững vàng như tùng bách đã dạn tuyết sương, còn sự nghiệp ông để lại giống như loài cỏ ở thư viện Khang Thành của học giả Trịnh Huyền thời Ðông Hán (Trung Quốc) còn thơm mãi mãi.

GS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ðình Chú – trợ giảng của thầy Trần Ðức Thảo tại trường ÐHSP Văn khoa năm 1957 - tâm sự rằng được làm học trò của nhà triết học Trần Ðức Thảo “là một may mắn lớn nhưng cũng có phần vất vả. Có điều cái vất vả thì đã qua đi, cái may mắn thì còn mãi mãi”. 

Ông tiếc nuối vì sai lầm của một thời đã khiến ông không còn được theo chân nối gót thầy trên con đường nghiên cứu triết học. Cái họa “dậu đổ bìm leo” đã khiến nhà giáo trẻ Nguyễn Ðình Chú im lặng, rồi lặng lẽ tự nghiên cứu và giảng dạy văn học. Ông cũng không ngờ mình lại có được danh vọng cùng với học hàm, học vị, học hiệu như ngày hôm nay. Ðối với ông, có được thành công này một phần là nhờ bản thân không ngừng tự phấn đấu nhưng quan trọng hơn cả, ông chịu ơn dạy dỗ, chỉ đường dẫn lối của các thầy, đặc biệt: “Thầy Trần Ðức Thảo là một con người siêu việt của Việt Nam đã đành, thầy còn đáng cho nền văn hoá Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung nhân loại…”

GS. NGND Nguyễn Ðình Chú trăn trở, sắp sang tuổi 80, ông muốn tạ ơn và nghĩa với các thầy, nhưng một chữ viết ra, một lời nói về các thầy nặng tựa Thái Sơn, ông không cho phép tự dễ dãi với chính bản thân mình: đức độ của thầy Ðặng Thai Mai, uyên bác của thầy Cao Xuân Huy, trí tuệ của thầy Trần Ðức Thảo, nhân cách của thầy Nguyễn Mạnh Tường và thầy Trương Tửu… Nên tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập trường ÐHSP Hà Nội (11/10/1951 - 11/10/2006) ông đã có bài phát biểu “Tự hào, biết ơn và mong ước” rằng: “Cái đáng kể, có thể nói là một đi nhưng không bao giờ trở lại chính là chỗ nhà trường trong buổi đầu này đã có những thầy giáo là những ông trùm văn hóa, ông trùm khoa học cho đất nước, không chỉ là sáng danh thời đó mà cả với muôn thuở non sông…”

Hà Nội sang thu, hơi may dìu dịu, vài chiếc lá vàng khô mỏng xen với cánh hoàng vĩ rơi trên ghế đá ký túc xá cũng khiến tôi giật mình nhớ lại buổi trò chuyện với bà Ngô Thị Mỹ Văn – phu nhân nhà ngoại giao Hoàng Nguyên – bà là một người trí thức Hà thành đã từng tham gia phong trào Việt kiều yêu nước tại Paris trong kháng chiến chống Pháp:

“Khi mới đến Paris, do tổ chức Ðảng cho phép sang Pháp, tôi được nghe kể về những trí thức Việt Nam yêu nước tại Pháp đã được gặp Bác Hồ năm 1946 và Bác đã chọn đưa về nước tham gia kháng chiến như các anh Trần Ðại Nghĩa, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước… cũng như nhiều anh khác tiếp tục bí mật từ bỏ Paris để về Việt Bắc. Tôi cũng được nghe nói anh Trần Ðức Thảo có cuộc tranh luận với J. P. Sartre trong thời gian anh chưa về nước (1949 – 1950). Sau này khi về nước nhiều năm, tôi lại được nghe anh em trường đại học kể lại ngày đó các nhà tư tưởng, các triết gia, văn nghệ sĩ… và cả công chúng có tri thức của châu Âu bị chấn động khi vị ‘chủ soái’ của thuyết hiện sinh - J. P. Sartre - nhà văn nổi tiếng khắp thế giới chủ động đưa lời mời ‘tranh luận’ với triết gia người Việt Nam: Trần Ðức Thảo”. 

Cuộc tranh luận được tổ chức thành những buổi luận đàm trực tiếp có nhiều người nghe. Lúc đó, thuyết hiện sinh của J. P. Sartre có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp, lôi kéo được rất nhiều trí thức và giới sinh viên đi theo.

Bằng tâm hồn Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và tư tưởng Việt Nam trong con người ông lúc đó, Trần Đức Thảo đã chứng minh chất ưu đẳng của chủ nghĩa duy vật biện chứng theo cảm nhận của cá nhân mình. Ông đã bẻ gãy những “đòn” lập luận lắt léo của J. P. Sartre với vốn Pháp văn tuyệt vời… Ngày cuối cùng, hai bên đi đến việc định nghĩa lại những khái niệm nền tảng của triết học về “ý thức đầu tiên” khởi sinh trong con người được Husserl - nhà hiện tượng học nổi danh bấy giờ - trình bày trong cuốn Trải nghiệm và luận giải. J. P. Sartre không nắm rõ cuốn đó nên cuộc tranh luận tạm ngừng. Trần Ðức Thảo hào hiệp đồng ý không kể lại cuộc trao đổi này. Sau vì môn đồ của J. P. Sartre hậm hực đã tung tin đồn thất thiệt với báo chí rằng cuộc tranh luận đã bị triết gia Việt Nam phá hỏng. Để bảo vệ quan điểm và uy tín của mình, Trần Đức Thảo buộc lòng phải lên tiếng đề nghị cho in bản tốc ký cuộc tranh luận. Lúc này cả châu Âu bàng hoàng hiểu rằng Trần Ðức Thảo chính là người chiến thắng.

Năm 1951, Trần Ðức Thảo “tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Một nhà trí thức siêu việt đã ỏ kinh thành Paris hoa lệ lại sau lưng, khước từ mọi vinh quang và tương lai huy hoàng để về Việt Nam tham gia kháng chiến, đối diện với hoàn cảnh khổ cực thiếu thốn đủ thứ và cái chết nhiều khi sẵn sàng chờ đón, biết bao trí thức không chịu nổi đã “dinh tê” (enter) vào thành với thực dân Pháp. Sự kiện này đã gây sửng sốt đối với mọi người. Chỉ có những con người với tình yêu Tổ quốc cháy bỏng mới thấu hiểu hành động này. GS Nguyễn Ðình Chú cho biết, ngày đó cụ Trường Chinh đã cử ông Vương Hoàng Tuyên, cán bộ Văn phòng Tổng Bí thư sang tận Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc đón triết gia về Việt Bắc. Bắt đầu từ đây, triết gia Trần Ðức Thảo tham gia công tác tại Ban Văn – Sử - Ðịa Trung ương (tiền thân của Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam), trường Ðại học Sư phạm Văn khoa, Ðại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, GS Trần Đức Thảo phải chia tay với giảng đường, lúc đó ông đang trên cương vị Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, kiêm Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội, về làm công tác dịch thuật cho Nxb Sự thật (Nxb Chính trị Quốc gia ngày nay).

Nhập thế không thành công, triết gia lặng lẽ sống và làm việc trong mọi khó khăn tại căn hộ ở khu tập thể Kim Liên, không vợ con, không người thân bên cạnh. Với những người hàng xóm, ông nổi tiếng là người đãng trí, ngơ ngác trong các sự việc đang diễn ra trước cuộc đời. Biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhất là thiếu thốn về tư liệu mới của tri thức học thuật, nhưng ông vẫn không nản. Từ khối óc của con người lặng lẽ đó, những tác phẩm lần lượt ra đời: Sự hình thành con người, Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người, 
Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức Những công trình này được in tại châu Âu đã làm các nhà khoa học phương Tây kính nể. Không ít người mỏi mắt ngóng chờ Trần Ðức Thảo từ Việt Nam. Một số người còn đến Việt Nam để tìm “ông Trần”. Vậy mà tại Việt Nam nhiều người không rõ Trần Đức Thảo là ai, làm gì, ở đâu. Một số người biết ông lại muốn “Quét sạch những nọc độc của Trần Ðức Thảo trong việc giảng dạy triết học” (xin xem bài của Khắc Thành, Tạp chí Học tập - 1958).

“… Những tâm hồn thấp kém không thể hiểu thấu các bậc vĩ nhân, cũng như kẻ nô lệ nhe răng cười khi nghe hai tiếng tự do”. Trần Ðức Thảo thấu hiểu những lời trên của đại văn hào Pháp J. J. Rousseau viết trong sách Khế ước xã hội ra đời từ năm 1762. Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trần Ðức Thảo khi Người là thượng khách sang thăm hữu nghị chính thức nước Pháp năm 1946, triết gia đã bày tỏ nguyện vọng trở về nước hoạt động. Việt Nam đang đứng bên bờ một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi, vì quyền lực đang nằm trong tay những tên thực dân hiếu chiến. Hồ Chủ tịch đã đồng ý với yêu cầu về nước của nhiều nhà khoa học như kỹ sư Trần Ðại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước… Nhưng với triết gia Trần Ðức Thảo…

Tôi có một số dịp được ngồi nghe nhà văn Sơn Tùng, một nhà văn đã dành tâm huyết cả cuộc đời để nghiên cứu, viết sách về Hồ Chủ tịch và các danh nhân tại căn hộ nhỏ nằm trên gác hai khu tập thể Văn Chương chênh vênh, rêu mốc. Những ngày đó, bão đang vào gần bờ biển miền Trung, do ảnh hưởng thất thường của thời tiết, vết thương trên cơ thể nhà văn tái phát. Khẽ đẩy hé cánh cửa buồng làm việc mà sách vở chật kín bốn bề, thấy ông nằm trên tấm phản ghép từ hai mảnh gỗ, thân hình gầy gò nghiêng nghiêng như con thuyền đang chống đỡ với bão tố, tôi ái ngại quay ra thì ông đã ngồi dậy đón tôi bằng cái nhìn thân thiện, ấm áp. Buổi trưa vắng khách, tôi tranh thủ hỏi riêng nhà văn Sơn Tùng về Bác Hồ và triết gia Trần Ðức Thảo khi Người làm thượng khách sang thăm nước Pháp. Nghe xong, đôi mắt ông sáng lên, lời ông nhè nhẹ trong nỗi đau sâu thăm thẳm, cao vời vợi. Thời gian Bác Hồ sang Pháp, cụ Vũ Ðình Huỳnh – Bí thư của Người đã tín trọng trao lại cho nhà văn những ký ức suốt cuộc đời không thể nào quên về Hồ Chí Minh với những nhà trí thức yêu nước.

Trời Paris trong tuần hạ chí cao thăm thẳm không gợn một bóng mây. Nước sông Sein hòa lẫn màu da trời. Hồ Chủ tịch tiếp chuyện triết gia Trần Ðức Thảo hồi 10h ngày 25/6/1946, Người băn khoăn:

“Sớm muộn gì cuộc chiến tranh Việt – Pháp sẽ không tránh khỏi phải diễn ra. Chú Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa – chú thích của tác giả), chú Võ Quý Huân về nước sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc. Chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men… Ðó là những yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này. Còn chú, nhà triết học…” Người nở nụ cười nhìn Trần Ðức Thảo dí dỏm… “Chú về lúc này sẽ không có đất mà cắm dùi đâu…”

Thật không ngờ, tầm nhìn xa của vị lãnh tụ hay một lời tiên tri, câu nói ấy đã vận vào cuộc đời triết gia Trần Ðức Thảo. 
*

Một buổi tối mùa Đông năm 2006, theo thư của nhà văn 
Thái Vũ từ TP. Hồ Chí Minh gửi ra, tôi tìm đến TS Phạm Thành Hưng, cựu Tổng biên tập Nxb Ðại học Quốc gia Hà Nội. TS Phạm Thành Hưng là “người đỡ đầu” cho nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Triết gia lữ hành Trần Ðức Thảo (Nxb Đai học Quốc gia Hà Nội 2006). Câu chuyện về Trần Đức Thảo đã làm tan biến không khí vốn yên tĩnh của ngôi nhà riêng của ông ở trong khu tập thể Đại học Bách khoa và làm cho chúng tôi thấy ấm áp trước những cơn gió lạnh giá của mùa Đông.

Hơn 10 năm sau ngày triết gia Trần Ðức Thảo về cõi thiên thu, TS Phạm Thành Hưng lo xin giấy phép xuất bản rồi bồi hồi chờ từng ngày cho đến khi sách được in ấn vẹn toàn. “Ðọc sách của cụ Trần Ðức Thảo khó vô cùng em ạ” - ông Phạm Thành Hưng tâm sự - “thế hệ trẻ các em hiện nay gần như chỉ cảm nhận được thôi. Nhưng mà đọc những bài viết về cụ, mình thấy xúc động nghẹn lòng… Trong quá trình để cuốn sách đến tay độc giả, gặp rất nhiều khó khăn vì những lý do tế nhị. Tuy nhiên Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) truy tặng triết gia Trần Ðức Thảo, đó là sự khẳng định và đánh giá công lao của Ðảng - Nhà nước đối với cụ”.

Một niềm vui đối với vị Tổng biên tập là ban đầu ông xin được trợ cấp cho sách trước khi in vì sợ ế nhưng khi Triết gia lữ hành Trần Ðức Thảo vừa phát hành đã tạo nên một cơn sốt. Tiếp đó là sự kiện nhà thơ Việt Phương - Thư ký riêng đầu tiên của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng - trao lại toàn bộ di cảo của triết gia Trần Đức Thảo đã gửi cụ Ðồng cho Nxb Ðại học Quốc gia Hà Nội.

“Vậy là vẫn còn di sản triết học và văn hóa học thuật của Trần Đức Thảo cả Việt văn lẫn Pháp văn như chuỗi ngọc lấm bụi lịch sử, đòi hỏi sự sưu tầm, tập hợp, dịch thuật, nghiên cứu, mài dũa để làm lộ sáng tất cả.” Ông Phạm Thành Hưng không giấu được nỗi vui mừng xúc động.

Nhà văn Sơn Tùng cho biết rằng, năm 2000 khi xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, GS Phan Ngọc là người giải trình về các công trình triết học của cụ Trần Ðức Thảo trước hội đồng khoa học. Ðược sự giúp đỡ của nhà văn Sơn Tùng, tôi mon men đến cửa “Nhà bách khoa cuối cùng của một thế hệ”.

GS Phan Ngọc kể, thuở ở an toàn khu Việt Bắc, hai anh em cùng nằm chung một cái sạp trao đổi kiến thức. Ðêm trước Phan Ngọc nói chuyện về triết học và văn học phương Ðông, đêm sau Trần Ðức Thảo dạy về triết học và văn học phương Tây.

“Anh Trần Ðức Thảo chỉ hỏi những điều sâu sa, khó, và huyền bí của triết học phương Ðông thôi. Còn những cái khác anh ấy biết hết rồi.”

Kết thúc câu chuyện, GS Phan Ngọc nhắc lại điều ông đã phát biểu tại hội đồng khoa học nhân dịp xét Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000):

“Có lẽ không nên bàn đến chuyện Trần Ðức Thảo xứng đáng với giải thưởng. Sự nghiệp của ông là khách quan, của cả thế giới. Trí thức Việt kiều nhìn vào cách đối xử với ông để đánh giá thái độ của Ðảng đối với trí thức do phương Tây đào tạo. Một người như Trần Ðức Thảo tất nhiên có những suy nghĩ riêng về học thuyết Xtalin, học thuyết Mao Trạch Ðông… Chỉ tiếc là ông đã thấy quá sớm. Cho nên tôi nhắc lại việc trao phần thưởng cho nhà triết học Trần Ðức Thảo đã vượt ra ngoài phạm vi một giải thưởng, mà khẳng định một đường lối của Ðảng ta đối với những lao động trí óc nói chung và đối với Việt kiều làm việc trí óc nói riêng”.
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, 11/2007. Đăng lại có sửa chữa trên tạp chí Tri thức Trẻ, chuyên san báo Tiền phong số 242 năm 2008.


Lê Mỹ Ngọc - TÔI LÀ THẠC SĨ TRỨNG VỊT Ở LÒ ẤP CỦA THẦY VÕ KHÁNH VINH

 TÔI LÀ THẠC SĨ TRỨNG VỊT 

Ở LÒ ẤP CỦA THẦY VÕ KHÁNH VINH 

Bài: Lê Mỹ Ngọc

12/05/2016 

Xin chào, tôi là một cựu học viên cao học của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tôi đã từng vô cùng háo hức khi cầm quyết định công nhận trúng tuyển của Học viện trên tay, nhưng rồi sau khi kết thúc mỗi kỳ học và đặc biệt là hoàn tất buổi Bảo vệ luận văn tốt nghiệp vừa qua, tình trạng kinh tế kiệt quệ của tôi đã ra lệnh cho tôi dừng ngay việc theo đuổi sự nghiệp học vấn của mình ở Học viện này dù tôi rất ước mơ có một tấm bằng tiến sỹ ghê lắm, kể cả bằng tiến sĩ...giấy. Tại sao vậy? Xin các bạn cứ bình tĩnh nghe tôi tâm sự.

Các bạn à, ngay khi tôi bước chân vào Học viện thì tôi đã biết mình đang trở thành một cái trứng vịt vì nhiều lý do: không biết nói mà cũng không nên nói vì người ta đập một cái thì bể nát (các bạn đã từng bao giờ nghe thầy Võ Hoài Nam - Trưởng Cơ sở Học viện Khoa học Xã hội tại TP. HCM đe nẹt chưa? Có thể không cần đập thì trứng cũng đã bể!). Một lý do khác nữa là trước khi tôi vào học tại Học viện, tôi đã đọc báo đâu đó thấy có tin nói một cái trứng vịt gánh mấy chục loại thuế mơ hồ. Tôi cũng đóng những khoản phí mơ hồ không kém cái trứng vịt và tôi tạm gọi là đóng “thuế học”. Đó là một loại siêu thuế và nó đã nã tôi hơn100 triệu trong 2 năm làm trứng vịt ở Học viện “danh giá”này.

Hồi đầu, Ba mẹ tôi đóng học phí cho tôi (đâu chỉ hơn 15 triệu), tôi mang hoá đơn đỏ về và ông bà rất hài lòng. Nhưng than ôi, làm gì có chuyện giản đơn như vậy. Số là, chuyên ngành của tôi có 3 môn chung và hơn 10 môn riêng. Mỗi một môn như vậy tôi phải đi học 2 đợt, mỗi đợt từ thứ 6 đến chủ nhật. Cứ trung bình mỗi môn như vậy tôi phải đóng “thuế” khoảng 10 triệu cho cái mà họ cứ nói như một điệp khúc tình yêu: Hỗ trợ đào tạo. Trong 10 triệu đó là khoảng 1/3 là cho quỹ lớp chi cán bộ lớp đưa thầy, cô đi nhậu, phong bao phong bì,... Số còn lại hát bài “Hỗ trợ đào tạo” cho Học viện. Xin nói luôn là học viên chúng tôi chưa bao giờ nhận lại được bất kỳ một thứ giấy tờ gì để chứng mình là mình đã đóng số tiền đó.

Nhưng cái giá đau nhất của tôi phải trả là bị anh chàng bạn trai khá điển trai của tôi đã lơ là tôi và cuối cùng đá tôi luôn. Lý do là vì cứ liên tục cuối tuần là tôi đi học, không đoái hoài gì đến H và đỉnh điểm là lần tôi mượn H 15 triệu để chạy điểm môn Anh văn. Tôi vẫn nhớ H nhìn tôi giống như là nhìn một con vịt và hỏi tôi lý do mượn tiền. Thật ra anh này cũng lương ba đồng ba cọc như tôi thôi nhưng được cái gia đình khá giả hơn tôi. Tôi nói lý do chạy 5 triệu cho điểm đậu (40 điểm) kiểm tra giữa kỳ Anh văn và 10 triệu cho điểm đậu (50 điểm) cuối kỳ hết môn. H tính nhanh và nói “Trung bình 1 điểm môn Anh văn em phải trả gần 160 ngàn đồng”. Rồi H hỏi, “Sao hồi đó em không học Anh văn có phải sướng hông?”. Hic hic, thế rồi H cũng cho tôi mượn nhưng từ lúc đó tôi có cảm giác H không coi tôi là bạn gái nữa. H bắt đầu nhìn tôi như là nhìn một thạc sỹ tương lai mà chẳng tương lai gì hay nhìn một cái trứng vịt, tôi cũng không biết nữa! Mỉa mai là ở chỗ là H đã “biến” ngay ngày hân hoan nhất của tôi, ngày tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ. Tôi buồn lắm vì H không hiểu 15 triệu thì có là bao nếu tôi bị dính lại cái môn quỷ quái này. Nếu tôi rớt, nói theo thuật ngữ là “không qua” thì nghe các anh, chị khoá trước nói là “thuế” còn nặng hơn nữa và rất khó để được thầy Võ Hoài Nam nhận tiền chống trượt một lần nữa. Mà dù tôi có đủ giỏi để “qua” thì làm sao tôi có thể “qua” khi mà tôi chưa “đóng thuế”.

Xin nói thêm về cơn ác mộng môn Anh văn của Học viện tôi.

Tôi dùng từ “cơn ác mộng” không biết có quá không nhưng nếu bắt tôi thay từ thì tôi sẽ thay là “nỗi ám ảnh”! Tôi phải trải qua 1 tháng ròng liên tục chớ không phải chỉ là những ngày cuối tuần như những môn kia. Không biết sao họ cứ nã “thuế” cho cái môn này. Tất cả cái thuế gọi là “Hỗ trợ đào tạo” mà họ đặt ra đều cao gấp hai, gấp ba lần môn khác và đóng rất nhiều lần. Chắc là họ biết học viên sợ môn Anh văn đáng nguyền rủa này nhất. Trong một tháng ròng rã, đằng sau mấy câu tiếng Anh sai bét của chúng tôi mỗi ngày ậm ừ lên lớp là một hoạt động chạy điểm ráo riết. Tôi may mắn được một chú lớp trưởng hiện đang là Phó....của một tỉnh nọ, rất đại gia cho vào đường dây, nhưng không được giảm đồng nào vì thầy Võ Hoài Nam - Trưởng Cơ sở Học Viện Khoa học Xã hội tại TP. HCM, không thích kèn cựa, bớt một thêm hai, mất hay! Vả lại, đằng sau thầy Nam còn có thầy Võ Khánh Minh– Trưởng phòng Đào tạo Học Viện Khoa học Xã hội – trụ sở tại Hà Nội, là nhân vật chìa khoá, nếu không có người này, thầy Nam chắc cũng cua giò. Mà sao lại họ Võ nhiều thế nhỉ? Tôi tìm hiểu thì mới biết thầy Nam là em trai ruột của thầy Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học Viện Khoa học Xã hội và thầy Minh chính là con trai trưởng của thầy Vinh. Một hôm tôi kể về mối quan hệ giữa ba người quyền lực nhất này của Học viện tôi đang theo học,cho sếp cơ quan tôi nghe, ông quắc mắt nói, “Tao không tin!”. Tôi về kể ba mẹ tôi, ông bà cũng có cách trả lời như sếp tôi. Người già bỗng nhiên trở thành đa nghi. Chuyện nhỏ như vậy mà cũng không chịu tin thì tin cái gì đây!

Nói về môn Anh văn, cũng không thể không kể đến cô Nguyễn Thị Nhân Ái, người mà sau này tôi được chú lớp trưởng cho biết là thường “làm việc” với cô qua... tài khoản. Cô này được mô tả là VIP của “dịch vụ chạy điểm”. Cũng đúng thôi, cô dạy và chấm bài bọn tôi mà. Bài thi thì nghe đâu sẽ được mang về Hà Nội chấm, là nơi có trụ sở chính của Học viện ngoài đó và sẽ được cắt phách, nhưng được cái nghe đâu em gái của cô Ái lại là nhân viên cắt phách, vào phách vào điểm tại Phòng Đào tạo. Thế là phẻ re rồi cho ai chịu khó “chung chi” rồi. Ôi, từ đó tôi mới thấy thực sự ngưỡng mộ “đường dây thu thuế” này. Sao mà nó đảm bảo đến thế chớ! Thảo nào mà chú lớp trưởng có lúc nói: “Họ mà làm khó dễ căng ke mới là chết chứ. Nhận tiền là mừng rồi. Có biết chữ tiếng Anh nào không? Muốn thi lại hở?”. Chú lớp trưởng thật lỏi đời! Cuối cùng tôi đã đậu 53 điểm. Dư đến 3 điểm. Xin cám ơn các thày cô đã cứu vớt và đảm bảo cho sự nghiệp bằng cấp của những cái trứng vịt chúng tôi! Xem ra cũng còn rẻ mà chú lớp trưởng hén.

Sau đây, tôi nghĩ mình sẽ thiếu sót nếu không kể về kỳ thi môn Anh văn của Học viện Khoa học Xã hội cơ sở tại Tp. HCM. Tôi không biết nó có xảy ra tiêu biểu ở cơ sở khác không. Này nhé, đoàn coi thi gồm có 5 đến 6 người - tuỳ thuộc vào số lượng học viên đợt đó ít hay nhiều mà họ có thể tăng hoặc giảm đi, và nghe nói từ Hà Nội vô. Đợt của tôi có gần 200 học viên thi, được xếp hình như là 4 phòng. Mỗi học viên phải đóng 2 triệu đồng tiền bồi dưỡng cho Hội đồng coi thi (vị chi đợt đó tiền “thuế” cho Hội đồng thi là gần 400 trăm triệu. Nếu tính thuế dịch vụ “trao tay” trực tiếp nữa thì một cuộc thi như vậy có khi lên đến hàng tỷ đồng tiền “thuế” chớ chẳng chơi!). Sau này tôi tình cờ được gặp lại một trong những giáo viên dạy và hỏi thi tôi, giáo viên này vô tình để lộ thông tin là không hề biết được số tiền “bồi dưỡng” mấy trăm triệu đó! Thế là tôi được hiểu thêm. Vậy mà tôi đã từng rất ác cảm với tất cả những giáo viên dạy Anh văn của Học viện vì tôi nghĩ tất cả họ đều là mắt xích trong “đường dây thu thuế”.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh thầy Võ Khánh Minh đút tay vào túi quần đi đi lại lại, phía ngoài phòng thi với khuôn mặt mà bên tư pháp và công an hay mô tả là “thi hành án”. Thầy soi “xuyên táo” vô mấy chị em mặc đầm, mặc đìa làm chị em đỏ cả mặt, quên cả chỗ dấu phao! Nghe mấy anh chị, cô chú lớp tôi nói thầy này vừa làm xong tiến sỹ đề tài Giáo dục quyền con người cho thiên hạ. Chắc là lúc này thầy đang ứng dụng thực tiễn đề tài chăng? Bên trong phòng thi, thì cô Ái gầm ghè đi qua đi lại, tưởng chừng như một tiếng ho của học viên cô cũng cảnh cáo. Mới đầu tôi rất ngạc nhiên. Tôi nhủ thầm, “Đã nhận tiền rồi mà!”. Sau đó tôi nhớ đến câu nói của ba tôi kể về những cuộc vượt biển cách đây hơn 3 thập niên, ba nói, “Những kẻ bắt người vượt biên nhiều nhất thì cũng chính là những kẻ đã bán bãi nhiều nhất”. Tôi hiểu ra và thấy thông cảm cho thầy Minh, thầy Nam và cô Ái lắm lắm.

Đó, các bạn thấy chưa? Chỉ là thạc sỹ thôi mà như vậy nói gì đến tiến sỹ. Hai chữ “tiền đồ” của giáo dục ở Học viện yêu dấu của tôi được nhấn mạnh ở chữ “tiền” các bạn à. Giờ tôi chỉlo đi làm có tiền để nhắn tin gọi H đến trả nợ cho H chớ chẳng mong gì nối lại tình xưa với ảnh. Được cái an ủi là mỗi lần nghĩ đến tấm bằng thạc sỹ, tôi cũng phần nào sung sướng và hãnh diện. Hãnh diện vì có bằng thạc sỹ thì ít mà hãnh diện vì tôi đã có thể vượt qua được số tiền “thuế học”quá khủng (nhưng chắc là chuyện nhỏ đối với mấy anh chi cô chú toàn làm quan ở lớp tôi) cùng với những gian truân ngớ ngẩn trong hai năm để có tấm bằng đó thì nhiều. Thế nhưng cái gì cũng có cái nhãn tiền của nó: Giờ tôi nợ đầm đìa, gầy rộc vì di chứng của những ngày tháng chạy tiền đóng “thuế học”, mất người yêu vì họ không hiểu mình. Và không biết tại sao lúc nào cũng có ý nghĩ mình là MỘT THẠC SỸ TRỨNG VỊT.



Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Cuộc đời có may mắn không

Đối thoại 1: Cuộc đời có may mắn không?
Tóc dài hỏi: "Cuộc đời ta có may mắn không? Chúng ta có nên mỉm cười với cuộc đời không?"
Lão xích lô trả lời: Mình cho rằng: mình hãy luôn hạnh phúc và mỉm cười.
Vì sao nhỉ? Vì chúng ta có thể viết "mail" cho nhau như thế này là đã hạnh phúc hơn hẳn vài tỉ người chưa bao giờ biết đến "internet".
Nhớ lại hồi đi tàu cho Australia. Trên tàu hợp chủng quốc về sắc tộc. Người thì UK, người thì Hong Kong, người thì Ukraina, người thì Trung Quốc, người thì Phi-lip-pin, tuy nhiên anh em lính thì là người Papua New Guinea. Những người lính đó họ rất thạo việc và chịu khó.
Nhưng họ lại không biết đến "internet".
Ở trên tàu có được trang bị hòm thư "email". Thuyền trưởng nói mình hướng dẫn họ gửi "email". Mình phải mất công hướng dẫn từng người từ việc "log in", gửi "mail", đọc "mail". Nhưng vài hôm họ lại hỏi.
Mình bảo: "sao mà lại quên nhanh thế?"
Họ bảo là "từ hôm mày dạy, không làm, lại quên".
Mình bảo: "sao mỗi ngày không gửi "mail" về gia đình?"
Họ cười bảo: "ở nhà cũng chẳng có ai có hòm "mail", không ai xài "internet."
Họ không xài "internet", nhưng họ cười rất hạnh phúc!

Hạnh phúc không phải là cái mà ai đó ban cho bạn, cho tôi, cho anh, cho bất cứ ai. Hạnh phúc là cái đang ở ngay đây, trong lòng bàn tay bạn, bạn chỉ cần nắm lấy nó mà thôi.