SẮC
Hôm nay giấc ngủ bỏ anh đi
Chong mắt nhìn trần chẳng thấy gì
Chẳng thấy bóng hình ai thương nhớ
Buồn chán thò tay bật ti-vi
Hôm nay lẻ loi bỏ anh đi
Xung quanh yên ắng đến lạ kì
Mọi người giờ này chắc ngủ hết
Vậy anh ngồi đó để mần chi
Trống vắng cũng đã bỏ anh đi
Gió kêu gào rít chẳng tiếng gì
Màn hình vi tính sâu thăm thẳm
Tự mình cũng muốn bỏ mình đi...
viết bài này sau khi đọc blog của Cammy
góp ý
Hay quá, nỗi buồn bỏ anh đi
Thấy anh cười toét, hỏi: chuyện gì?
À, con mẹ đĩ về thăm ngoại
Rượu lạc thả phanh, chén tì tì
Viết bởi Pham Vu Luu 22 Mar 2008, 15:03
Thấy anh cười toét, hỏi: chuyện gì?
À, con mẹ đĩ về thăm ngoại
Rượu lạc thả phanh, chén tì tì
Viết bởi Pham Vu Luu 22 Mar 2008, 15:03
Hay quá, nỗi buồn bỏ anh đi
Thấy anh cười toét, hỏi: chuyện gì?
À, con mẹ đĩ về thăm ngoại
Rượu lạc thả phanh, chén tì tì
Viết bởi Phạm Vũ Lưu 22 Mar 2008, 15:03
Thấy anh cười toét, hỏi: chuyện gì?
À, con mẹ đĩ về thăm ngoại
Rượu lạc thả phanh, chén tì tì
Viết bởi Phạm Vũ Lưu 22 Mar 2008, 15:03
Vì sao giấc ngủ bỏ anh đi?
Anh ngồi ở đó để mần chi
Đêm dài không ngủ, mệt lắm đó
Nên anh hãy cố, cố ngủ đi!
:P Em rất sợ những lúc mất ngủ, mất ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Nên mọi người, cả lão nữa, không được thức đêm! :P
Viết bởi Cammy 23 Mar 2008, 00:58
Anh ngồi ở đó để mần chi
Đêm dài không ngủ, mệt lắm đó
Nên anh hãy cố, cố ngủ đi!
:P Em rất sợ những lúc mất ngủ, mất ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Nên mọi người, cả lão nữa, không được thức đêm! :P
Viết bởi Cammy 23 Mar 2008, 00:58
Yếm Thắm, một thoáng huơng xưa - Phi Ngọc Hùng
(03/13/2012 08:13 AM) (Xem: 9180)
Yếm Thắm
-
|
Một thoáng huơng xưa...!
Vào truyện:
Bố tôi có cụ bạn già rất thân, phải nói tâm giao chí cốt vì hai cụ hợp nhau ở cái khỏan nói tiếng Tây, uống rượu Cognac,...nhẩy đầm qua cái thú một thưở một thời ăn chơi của người Hà Thành trước 54. Sau 75, đất khách quê người bây giờ nằm khoèo ở cái tuổi vắng gió đìu hiu, hai cụ lại càng tương đắc tương bần với nhau nữa cái mục nghe hát ả đào, quan họ, chèo văn với mấy cái “tếp” nhựa cũ sì cũ mốc. Bố con tôi vẫn thường gọi là cụ huyện Trì vì cụ làm việc ở một nơi chốn danh bất hư truyền về nghề làm bánh cuốn. Vì sinh sau đẻ muộn, qua cụ tôi mới học mót được là bánh cuốn Thanh Trì ăn với đậu rán sốt và chấm nước mắm pha giấm với ớt khô. Cứ theo cụ thì nó ngon ở hơi hướng nhẹ nhàng của bánh cuốn thơm thoang thoảng, nước mắm thường không mặn, giấm thanh không chua, hạt ớt đỏ nâu lềnh bềnh trên mặt bát nước mắm thanh cảnh và không…cay lắm.
Trước đó tôi đựơc đọc nhiều bài viết sưu tầm, sưu khảo của cụ đăng rải rác trên báo nơi thành phố tôi đang…luân lạc, thường là những bài tản mạn về đất lề quê thói của làng quê đất Bắc hay những bài viết rất dài, rất súc tích về thơ mới, thơ cũ. Khoảng thời gian này, tôi đang tập tành làm quen với chữ nghĩa như cụ Tản Đà “Viết văn lên bán chợ trời”, thế nên sau khi đọc được bài viết của cụ, tôi cắt cổ con vịt làm đĩa tiết canh mời cụ tới nhà để cùng thưởng lãm, tôi trộm nghĩ đó cũng là lẽ thường tình của đất trời, của một già một trẻ, vậy thôi. Vậy mà bao giờ cũng vậy, cụ cũng đẩy đưa: “Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ ở quê tôi thịt ngan tức vịt Xiêm chấm với nước mắm tỏi mới ngon thịt.” Cụ còn nhắc khéo: “Rượu Cognac nhắm với thịt vịt là nhất. Ấy đấy, cụ nửa Tây nửa ta là như thế đó…
Vốn dĩ cụ là con sâu rượu, tôi đang đơn chiếc trong cái cảnh gà trống nuôi con, rượu lúc nào cũng có sẵn, nhà neo người, nhưng gần chợ búa nên khoắng một nhát là xong tất. Cụ thường ghé qua để bù khú, gặp thời thế, thế thời phải thế, cụ nhấp tôi ực. Biết cụ là người thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự, thế nên nhập thế tục bất khả vô văn tự, tôi cũng bon chen, chẳng hay ho cũng húng hắng một vài câu…thơ Đường. Và mỗi lần hỏi cụ chuyện…tầm chương trích cú với tam sao thất bản, câu nói đầu môi chót lưỡi của cụ vẫn là tận tín thư, bất như vô thư. Ngoài ra giữa cụ với tôi, có chút nặng tình riêng tư qua dăm món đồ cổ, vài chậu cây bonsai, và nhất là khỏan một trà, một rượu và “bản lai diện mục” là…đàn bà. Riêng khoản…diện mục với bản lai, tôi cứ ngáo ệch ra vì chả hiểu sao cụ bắt quàng qua mấy chữ đầy nho phong sĩ khí ấy.
Nhà cụ ba đời uống nước máy “phông tên” Hà Nội, nói trắng ra cụ bương trải đến…lõi đời. Vô phép vô tắc nói xấu sau lưng cụ chứ đôi khi tửu nhập ngôn xuất, cụ có hơi “hoang đàng” một tí ti. Cụ lang bạt kỳ hồ, cụ đi tứ phương tám hướng, thổ ngơi, tập tục đất Bắc cụ kể vanh vách như chẫu chuộc… Vì vậy một bữa cụ thả hồn đi hoang, cụ luận với tôi rằng cái trần tục của các cụ ông, cụ bà ta xưa qua ca dao hay thơ phú từ một nghìn năm trước, một trăm năm sau muôn sự là ở…cái váy.
Cụ luận giải rằng vì tự thưở khai thiên lập địa ấy, trong váy sồi, váy đụp đàn bà con gái không mặc gì sất cả. Từ cầu ao, bãi sông, dưới gốc cây gạo và nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, dựa đụn rơm thơm mùi lúa mới, chỉ cần tốc váy lên…là xong tất. Nghe xong chuyện một thoáng mây bay, tôi thấy có vẻ…”trần tục” quá lắm, nhưng tôi chưng hửng và vội hiểu ra ngay dăm chữ thâm nho “bản lai diện mục” của cụ ở trên…
Nhưng vẫn chưa hết, được chim bẻ ná, được ná quăng tôm với chuyện quê mùa, ngỡ cụ bóc ngắn cắn dài về dăm cái chũm, cóng, chum, khạp, ấm, nậm, áng, âu…thì cụ dông dài tiếp hồi còn trẻ, chuyện là một ngày từ trong làng đi ra, đang phất phơ bên triên đê, nhìn xuống thửa ruộng, cụ bắt gặp một chị thợ cấy hơ hớ xuân tình đang chổng mông với cái giỏ cua, nơm ná, gầu sòng. Thấy chị một mình giữa đồng không mông quạnh, chả hiểu nghĩ thế nào hay là vì ma đưa lối quỷ dẫn đường súi bẩy hay sao ấy. Bỗng dưng cụ nhẩy bổ xuống, từ đằng sau tốc váy lên...Chuyện cụ kể cứ như thật vậy, nhưng nhìn khuôn mặt thanh thoát đầy nghiêm túc của cụ, tôi không tin cũng đành phải tin. Ấy đó, cụ nửa đời nửa tục là như thế đấy…
Ngay sau đấy, cụ kể tiếp là cụ về quê nhà gặp người con gái đầu đời năm xưa. Cụ gặp cụ bà đang bán hàng nước bên phố chợ, hai mắt che bằng miếng vải tây điều con con bằng bàn tay vì cụ bà đau mắt hột. Dở cái khăn khăn ra, với con mắt toét nhèm đầy rỉ ghèn, cụ bà ngơ ngác nhìn cụ như một người khách lạ. Cụ thở ra với tôi, nếu biết thế thà đừng về gặp người xưa năm cũ nữa thì hay hơn.
Nhấp ly rượu, vẫn khuôn mặt nửa hồn thương đau trong một cõi đi về, như có gì suy nghĩ xa vắng lắm, cụ lắc đầu và lại thở ra rằng những chuyện sống để bụng chết mang theo trên, chẳng hẳn là ở cái váy mà theo cụ thì tội vạ là ở…cái yếm.
Vì vậy mới có bài viết “Yếm Thắm Hương Xưa” này.
Tuy nhiên những gì cụ lẵng nhẵng trong lúc tửu lạc vong bần cũng đến hai mươi năm, lại nữa những bài viết của cụ tôi lại không lưu giữ, nhớ bao nhiêu viết lại bấy nhiêu. Và cụ kể chuyện nhân kiếp phù sinh hề một thoáng bạch câu của cụ như thế này đây, bao giờ cũng bắt đầu câu mào đầu: “Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…”
***
“….Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ thời tôi thì những ngày ở quê nhà, nhìn thấy bà ngọai đeo cái yếm sồi mầu dưa vàng khú, tôi chỉ dửng dưng. Một lần nghe bà ngọai riết gióng bà chị họ tôi với ông ngọai là “Cái ngữ ấy treo quần áo ở cạnh chuồng bò….Chửa ngay”. Rồi tiếng ông ngọai rít qua khói thuốc lào: “Có mà chửa với…bò”. Sau đó tôi thấy quần áo của chị phơi ở hàng ruối cuối vườn. Phất phơ một, hai cái yếm cua, yếm rùa hình thang với bốn sợi giây lủng lẳng. Tưởng tượng cho lắm thì cũng chẳng khác mấy với cánh diều trong một ngày đứng gió. Mảnh vải thô rồi cũng bạc mầu, chị nhuộm bằng vỏ trái bứa, tôi cũng chỉ thấy một mầu đậm đặc buồn chán. Bỗng ít lâu sau, cái bụng chị ễnh ra thật, suốt ngày ăn khế xanh, muỗm non và thằng cu ra đời. Một lần bắt gặp chị vén yếm cho con bú, ngực chị căng cứng và trắng nhễ nhại, chan hòa và nổi bật cùng mầu nâu sậm của cái yếm. Cái yếm thiếu thước tấc, nửa hững hờ, nửa ôm chặt thân hình cá trắm ngôn ngốt của chị, sau này cứ theo đuổi tôi mãi.
Nếu anh có hỏi tôi nỗi ám ảnh như thế nào, thực tình tôi không biết trả lời ra sao vì lúc ấy tôi mới tí tuổi đầu. Sau này lớn lên tôi chỉ hiểu lơ mơ lỗ mỗ là ai cũng vậy, lúc nhỏ có những chuyện cỏn con không đâu của người lớn. Ngẫu nhiên nó vận vào người như cái lưới tình, làm thân con nhện mấy lần vương tơ và không thóat ra được như tôi vậy. Nhưng ấy là chuyện sau, cũng như Hòang Cầm, chỉ vì mảng thịt, miếng da để gắn bó suốt đời với một bài thơ.
Ấy chết, quên không kể cho anh nghe tôi là bạn của Hoàng Cầm, thấy hắn làm thơ tôi cũng bày đặt thơ phú cho nó oách. Làm xong đưa hắn xem, hắn mắng tôi xối xả: “Mày làm thơ thế này thì…chó nó đọc”. Vì vậy tôi đành gác cái mộng văn chương chữ nghĩa sang một bên. Nhiều khi ngẫm chuyện nhân sinh, nếu không quen với Hoàng Cầm thì bây giờ biết đâu tôi chẳng khật khưỡng đi vào văn học…như hắn cũng nên”.
Như phần vào truyện đã giải bày, vì thời gian quá lâu với một nhớ hai quên nên nhiều đoạn văn dưới đây của bài tản mạn này tôi mạo muội vay mượn của những tác giả trên mạng lưới như Đặng Tiến, Nguyễn thị Thu Huệ, Đào Hùng và một hai tác giả khuyết danh khác…
“…Trở lại chuyện tình yêu ở cái tuổi học trò, hắn kể tôi nghe là cũng bằng tuổi ấy…Hắn yêu thầm nhớ trộm một cô gái tên Vinh, hơn hắn tám tuổi. Cô cũng là người dậy nó hát quan họ, trống quân vào những ngày cuối tuần. Một lần hắn rình cô ra ngòai đồng, trên một cái gò nhỏ có nhiều bụi dại, người hắn đang háo hức vì cái mông trắng như cùi bưởi. Bất thình lình cô ta ngẩng lên bắt gặp và mắng: “Sao mày cứ lẵng nhẵng theo tao thế này nhỉ”. Xong, cô giả bộ như lúi cúi tìm cái gì ấy, rồi đứng thẳng người lên, nhìn vào mắt hắn và nói: “Chị tìm cái lá…”. Rồi cô tiếp: “Đứa nào tìm được ta gọi làm chồng…” và hắn cũng chẳng nhớ lá gì nữa.
Vào một đêm năm 1959, khỏang ba giờ sáng, hắn chợt tỉnh giấc rồi thao thức không ngủ được. Căn nhà phố Lý Quốc Sư nằm sâu phía trong im ắng, hắn chợt nghe bà hàng xóm văng vẳng ngâm thơ “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…”. Thế là hắn bật dậy, lấy bút chì và tập giấy ra ghi chép…Ký ức người con gái ngòai đồng năm xưa lại hiện ra:
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo:
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi làm chồng
Hai mươi năm sau, từ trong bụi dại…cái tên của bài thơ gắn bó với Hòang Cầm, như một dòng sinh mệnh, để hắn nhẹ tênh như cuống rạ và thảnh thơi như cánh đồng chiều. Trong khi tôi còn lang thang, thơ thẩn với bà Hồ Xuân Hương “Yếm đào trễ xuống dưới nương long – Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm…”. Để gần hết quãng đời, tôi cứ bị dằn vặt và lận đận đi tìm một…lá diêu bông.
Tôi quen với Hòang Cầm từ Hà Nội khi hai đứa học tú tài, nhưng lại gặp hắn ở tiệm nhẩy Asia ở phố Hàng Bông. Thọat đầu, thân thì không hẳn là thân, gần nhau qua men rượu thì đúng hơn, sau hợp nhau ở điểm…Xin lỗi anh chứ, tụi tôi đang ở cái tuổi mới lớn nên cả hai đều đang săm soi tìm hiểu về…đàn bà, con gái nên đi đâu cũng có nhau, như bóng với hình. Tết năm ấy, không hiểu sao tiệm nhẩy đóng cửa cả tháng, buồn tình hắn rủ tôi về nhà ông cậu hắn ở làng Nội Duệ xem hát quan họ. Nghe hắn kể về quê hắn, sau mùa gặt hái dân làng mở hội với những cuộc vui như đánh đu, leo cột mỡ, chém lợn, đấu vật và hát ghẹo, hát ví, hát đối. Nghe đông vui quá thể, lại có cả chọi gà, chọi trâu nữa, nên tôi đeo theo hắn cho biết.
Trên xe, hắn còn cho nhúc nhắc thêm, nào là hội xuân gắn liền với hàng trăm ngôi chùa quanh vùng, suốt mấy tháng đầu năm với cả chục làng thuộc các huyện Yên Phong, Tiên Sơn, Việt Yên…Nhưng theo tập tục thường lấy chùa Lim làm nơi họp mặt, họ đối đáp hát hò với nhau cả ngày, nhiều khi suốt đêm và cô nào cô ấy đẹp như…mơ, môi mọng như…nhót chín. Để rồi gần như suốt đêm hôm ấy, tôi cứ thao thức, chỉ mong trời sáng để gặp những…“mơ”, những…“nhót” mà hắn gọi là quan họ bạn, vui lắm…Nói cho ngay chẳng dấu gì anh, vì từ lâu tôi ao ước được một lần mặc áo dài khăn đống, đứng cạnh một cô gái mặc áo tứ thân, đội nón quai thao để cất cao tiếng hát quan họ. Không ngờ cái ước mơ nhỏ bé lại gần thành sự thực do hắn đẩy đưa là muốn giới thiệu tôi với cô em họ con ông cậu hắn.
***
Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ hắn đúng thật anh ạ, mới bảnh mắt ra là đã thấy đoàn quan họ nhao nháo kéo đến ngòai cổng, nam che ô, nữ đội nón quai thao. Hắn đưa tôi đi tìm cô em họ hắn nhưng không gặp, cứ theo hắn thì cô ta là một đàn chị quan họ, mặc dù đang ở cái tuổi xuân thì. Hắn và tôi đứng ở ngay cổng nhìn vào trong, nơi quan viên hai họ đang điểm trang quanh những cái cột nhà có treo những cái gương bé con con. Các cô đa số vẫn còn mặc yếm. Yếm đủ màu, áo tứ thân hình như chỉ được mặc vào trước lúc diễn hát. Tôi thầm phục các cụ ta xưa đã nghĩ ra cái yếm này. Cái yếm mà tôi đã nhìn thấy qua bà chị họ tôi từ ngày tôi còn trẻ vậy mà ngày nay, ở các xứ Âu tây người ta mới vẽ ra cái mẫu vải yếm ấy.
Nói anh đừng cười là mắt tôi có tròng, tròng lại nằm trong ổ, ổ lại kẹp giữa hai mi, nhìn thể nào cũng ra những tác phẩm tuyệt tác của ơn trên trong cõi nhân gian. Ðối với tôi cảnh vật nhân gian đẹp đẽ cách mấy cũng chỉ là thứ yếu. Tác phẩm tuyệt tác nhất phải là thân xác đàn bà. Nhất là những cô gái che khép thân hình nửa hở nửa kín bằng những vuông yếm thắm ở làng Lim. Đang nghĩ lung tung thì đập vào mắt tôi là cô đi đầu mắt có đuôi, hai tay bưng khay trầu cau với trà, cứ như đi đón dâu không bằng. Cô ta cũn cỡn trong chiếc yếm mỏng tang mới thấy được rằng cái đầu của các cụ ta xưa thật là phóng khoáng, thỏa mái. Chỉ cần một vuông vải mỏng với sợi dây cột buộc sau lưng, bó tròn được cặp ngực nhung nhúc, nổi gợn màu da thịt mờ ảo, ẩn hiện trong lớp vải mỏng là đôi bồng đảo phổng phao, để lộ hai đầu ngực nhọn tròn như hai đầu con quay, con vụ .
Hắn bấm vào tay tôi khi cô ta đi qua mặt, ngầm cho tôi biết ấy là cô em họ hắn. Nhưng tôi còn mải nhìn cái yếm để hở cái lưng trần trắng nõn, toát tỏa mùi thơm da thịt, hòa quyện thơm ngát mùi hương đồng cỏ nội. Có thể nói cái yếm là thứ áo hở hang nhất mà các cụ ta đã dầy công “sáng tạo”. Không thể nào tôi lại có thể bỏ qua cái nhìn dán chật vào thân hình cô ta. Hai sợi dây cột buộc quanh cổ đu đưa, lúc lắc qua lại theo dáng đi, để lộ hai thăn ngực ngoài góc yếm, trắng nõn, tròn trĩnh và căng đầy. Và tôi cứ ngẩn ngơ, ngơ ngẩn mãi…
Vào đến sân, không ai bảo ai, họ cất tiếng hát mừng làng nước đầu năm với tình nghĩa xóm làng. Quan họ chủ đứng trước cửa chào đón, đỡ nón, cầm ô cho quan họ bạn và sau đó là mời vào nhà và hai bên cùng hát. Tôi nghe lạ tai nhưng cũng thấy hay hay, và để ý thấy bên này đẩy đưa một câu, bên kia đối đúng thì khen: “Dạ, thế là tương bằng rồi đấy ạ”. Gặp khi bên bạn hát trật, bên này thưa: “Thưa liền anh (hay liền chị), bất hợp rồi đấy ạ”. Nếu được khen, họ tình tự đáp lại “Người thử hay là người thương – Hay là người thử trăm đường người chê”. Rồi quan họ chủ mời trầu mời nước, nói chuyện ríu rít như họ hàng gia tộc gặp nhau ngày Tết, chỉ thiếu nêu cao pháo nổ, bánh chưng xanh, đầm ấm và thân tình, nhất là ngòai kia lại có gió heo may lành lạnh…Đột nhiên cô ấy biến mất lúc nào tôi cũng chẳng hay nhưng tôi vẫn đứng chết trân cho tới khi hắn vỗ vào vai tôi “Tương tư rồi hả?”.
***
Anh còn trẻ anh không biết đấy thôi chứ…chứ thằng đàn ông nào chúng tôi chẳng thế, nhất là khi gặp một cô gái mặc áo rộng hở ngực không lõ con mắt ra thì nhìn cái gì? Nếu không ắt hẳn chẳng là đàn ông. Rồi đủng đoảng thế nào tôi thấy cô ta lại xuất hiện với thân hình dong dỏng và đang cung cúc như gà chạy mưa xuống cầu ao rửa chân. Rồi lại nhẩy chân sáo từ cầu ao đi lên trông rối cả mắt, vẫn cái eo thon nõn nà, vẫn với cái vạt yếm cũn cỡn, không đủ che kín thân hình. Cô liếc xéo về phía tôi một cái sắc như dao cau khiến tôi cảm thấy nôn nao, rạo rực khôn tả...
Đến gần trưa tôi ra ngòai đồi, trên con đường mòn hai bên là hàng quán, ai nấy đều áo quần tươm tất. Cụ ông áo kép, khăn lượt, cụ bà áo bông, váy sồi, trẻ con thì áo ba gang, quần chúc bâu ngồi la liệt, ăn uống cười nói râm ran. Anh có thể tưởng tượng được không, có cả nghìn người chứ chẳng phải là ít ỏi gì. Riêng đám hát quan họ, cứ bốn người, hai đôi nam, hai đôi nữ đứng rải rác khắp đồi Lim, ở xa tưởng như họ đang thì thầm với nhau. Từ chân đồi thoai thỏai nhìn lên thấy thật là bao la, khỏang khóat, cỏ non xanh mướt rì rào trước gió, mưa phùn lất phất, cây cối mơn mởn, trông cổ kính và cũng thật nên thơ. Sau này tôi đi nhiều, ít đâu thấy như vậy. Ấy vậy chưa kể, xa xa là dẫy Thiên Thai, cụm mây trắng bay bay vắt ngang triền núi, như giải lụa đào bồng bềnh trong sương khói.
Thả bộ lên giữa lưng chừng đồi, đến gần nhìn vào đám hội quần áo đủ mầu sắc, nam đội khăn xếp, mặc áo the dài, quần trắng ống rộng. Nữ thì cô này áo tứ thân nhiễu điều, dây thắt lưng hoa lý buông chùng, yếm thắm hồ thủy hay vàng ươm lúa chín. Cô kia váy đũng, áo dài mầu ngô non, hai vạt áo trước buộc chéo vào nhau, yếm thắm hoa đào hoặc xanh lục lá mạ, các cô đều đội nón quai thao, tua quai tung bay như vờn nghịch với gió xuân. Từng đôi bạn đứng sát vào nhau, anh xướng, vừa hát vừa kín đáo liếc chị bạn đối diện “Bắc Ninh cho đến Phủ Từ - Qua cầu sông Nhị, ngẩn ngơ tìm người”. Nghiêng nghiêng chiếc nón, chị đáp lại “Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi – Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì”. Anh đỡ lời “Ngày ngày ra đứng mà trông - Bạn thì thấy bạn, tình không thấy tình”. Chị quay một vòng giải thắt lưng, tình tứ tránh cái nhìn của anh, nhẹ nhàng đong đưa “Biết người biết mặt nhau chi – Đêm đêm em tưởng, ngày thì em mơ”.
Không hẹn mà gặp để chuyện của tôi chớm dậy vào sáng hôm sau…Anh còn nhớ cái cô cầm khay trầu mắt có đuôi không, em họ của hắn đấy. Cô ta vừa bước vào cửa, mắt sắc như dao cau đảo một vòng, rồi nhè hỏi ngay tôi “Vì anh, em mới tới đây – Nếu anh không chiếu trả, màn quây ở nhà”. Tôi đang lóng ngóng, cô tiếp “Em bước chân ra, nhái thầy cùng mẹ - Em đưa chân về, nhái mẹ cùng cha”. Giời ạ, anh biết sao không, cô ấy e ấp, chúm chím cười “Em với anh như bướm với hoa”. Bướm với hoa, thế có chết tôi không cơ chứ, tôi cứ như người say thuốc lào, đành lúi húi trải chiếu và họ quây quần ngồi xuống, như đánh chắn, đánh tổ tôm ấy.
Lại cô ta nữa, mới ngồi xuống chưa nóng chỗ, cô háy mắt ví von ngay “Nhất chờ, nhị đợi, tam mong - Tứ thương, ngũ nhớ, lục mong, thất bát cửu…chờ”. Và cô vênh mặt, ngóng cổ lên để “chờ”…Tôi ngây người ra bí ngô bí khoai, như anh biết đấy, tôi nào có biết hát hỏng gì đâu. “Mong” một lát, thấy tôi không động đậy gì như con rắn ngày, cô hóm hỉnh ghẹo tôi “Tới đây chẳng hát thì hò – Chẳng phải như cò ngỏng cổ mà nghe”. Rồi cô ấy tình trong như đã nhưng ngòai còn e:
Bên mời cố cựu, bên mời tình nhân
Cùng nhau xích lại cho gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
Đi ngẩn về ngơ
Đụt như tôi, cũng phải liệu thần hồn mà “xích lại cho gần”…Mà anh thấy câu chót “đi ngẩn về ngơ” tuyệt cú không, xuống vần như vậy mới là…thơ. Ấy là chữ nghĩa của các cụ ta xưa đấy nhá, ngày là gió tháng là mây, từ mấy câu đồng dao, phong dao mộc mạc. Các cụ vặn vẹo cùng trời trăng mây nước, thành bài hát tỏ tình lúc nào không hay. Như cô ấy vừa nhấm nhẳng dò la tôi “Gần đây mà chẳng sang chơi – Để em trải yếm bắc cầu anh sang”.
Thấy tôi nông toẹt, không đợi hỏi han cụ tiếp:
“…Đó là cô ấy còn hiền. Nếu anh nghe được mấy cô khác ỡm ờ với bóng gió “Đêm nằm đắp chiếu bịt bùng – Tai nghe tiếng hát dậy vùng ra đi” thì cũng hãi quá thể chứ nhể. Và cụ thủng thẳng, hồi xưa các cô bạo dạn như thế đấy, chẳng qua là nam thập lục nữ thập tam, lúc nhỏ thì cùng nhau tồng ngồng tắm ao tắm sông, tình yêu trai gái cứ lõm bõm lớn dần theo năm tháng, theo trăng thanh gió mát cùng điệu hát câu hò. Thời của tụi tôi quen nhau, ít ai biết làm thơ lăng nhăng như tình xa đầu núi, tình cuối chân mây. Chữ nghĩa bẻ làm đôi, quá lắm cũng chỉ cắn bút năm, ba hàng thắm thiết khôn cùng, với ái nương ơi, giấy ngắn tinh dài kể sao cho xiết. Thế nên họ mượn mấy câu ca dao phong tình để…gió đánh đò đưa, gió đập mạn thuyền thì cũng chẳng có gì làm lạ lẫm lắm”.
Cụ khựng lại và chần chừ:
“…Đầu trở xuống cuống trở lên thi ai lại mang chuyện nhà ra kể khí có hơi chướng, để trong bụng thì ruột gan lại ấm ức. Ấy vậy người chị họ tôi chứ ai, lúc nhỏ nghe chuyện người nhớn đỏ mặt tía tai, thấy hai con chó lẹn nhau quay ngoắt bỏ đi. Cho đến khi chị biết soi gương làm đỏm, ông bố chị cứ chiều chiều là khơi khơi kỳ cọ dội nước tắm chuồng bên cạnh cái chum ở chái bếp, trong khi chị đang vo gạo thổi nồi cơm. Lớn lên tôi mới vỡ nhẽ ra, cũng có thể vì bị ám ảnh nên mới mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu, một tối chị đã “Tai nghe tiếng hát dậy vùng ra đi”. Để ít lâu phình bụng ra, chỉ vì cái tội vô tâm, vô tính của người nhớn, tôi nghĩ thế không biết có hợp nhẽ anh không. Nhưng tôi hiểu các anh bây giờ Âu tây, Âu hóa với phân tâm học, với Freud hơn hồi trước tụi tôi nhiều, các anh cho chuyện tồng ngồng ở ao hồ, chuyện tắm chuồng là ẩn ức, dồn nén này kia…”.
Tôi cũng có hơi ngán ngẩm vì cụ dông dài quá thể mà rõ lạ chửa kìa, cụ vừa kể chuyện ông Hoàng Cầm và cụ một chiều trên bến nước nhìn mông người ta ở trên thì có chướng hay ẩn ức, dồn nén gi đâu? Đang nhủ thầm như vậy nhưng may quá là may, cụ nhấp một nhấp rượu như để chiêu hồi quá khứ với những ngày tháng cũ, cụ trở về cái buổi ban đầu lưu luyến ấy và cụ luyến lưu:
“…Hết ngày “mời trầu”, cũng đến ngày “giã bạn”, cô ủ ê:
Người ơi ! Người ở đừng về
Người về em vẫn trông theo
Trông nước, nước chẩy, trông bèo bèo trôi
Người ơi ! Người ở đừng về
Bịn rịn đến gần giờ ngọ, cô vờ vĩnh “Chàng buông vạt áo em ra - Để em đi chợ kẻo đà chợ trưa”. Anh thấy tình không, tình chết người đi ấy chứ lại. Vốn liếng ca dao của tôi cũng nhì nhằng, không ngòai thương nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Vậy mà cô ấy hiểu ngay mới tài tình: “Bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh – Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi”. Yếm em, em mặc thì cũng tốt thôi. Đến yếm gì anh, anh đòi thì tôi chịu quá, vừa ngầm lẳng lơ, vừa lộ tình tứ, làm tôi cứ mê mẩn cả người.
Thế mà dùng dằng đến quá trưa, tôi tay không về lại Hà Nội mới chán mớ đời. Ngày ngày ra ngơ vào ngẩn, mò tới phố Sinh Từ tìm Hòang Cầm để thăm dò. Nhưng hắn đã theo cô Tuyết, người Hải Phòng, gái nhẩy ở tiệm Asia và về phố Đường Thành sống chung với nhau. Cô Tuyết này cũng khác người, khi không mang hắn về nuôi báo cô đến mấy tháng, cái thằng bố lếu bố láo ấy vậy mà hay không bằng hên. Gặp tôi hắn tỉ tê ngay: “Tối đầu tiên tớ nằm cạnh Tuyết, khi đó tớ không gọi là chị nữa, vì Tuyết hơn tớ ba tuổi, mà gọi là “đằng ấy”. Tớ ôm Tuyết, hai tay sờ sọang ngòai bộ quần áo ngủ, Tuyết tự cởi áo ra. Rồi lại cởi áo cho tớ, sau đó bảo tớ cởi hết ra, tớ làm theo...”.
Trở về chuyện tôi đi kiếm hắn, trong khi cuối tháng cạn túi, đợi nhà gửi lên để đóng tiền trọ học. Tôi cũng lại nóng lòng muốn mò về lại làng Nội Duệ, nhưng không biết ngủ nghê ăn uống ở đâu, nên phải cấu véo cô Tuyết và nhờ vả đến Hòang Cầm. Cuối cùng thì hắn giới thiệu tôi đến nhà thầy ký ga Núi Tiết, cách Bắc Ninh hai cây số. Đó là một dẫy phố trước khi vào thị xã, lèo tèo khỏang hơn hai chục căn, có tiệm may, hớt tóc, hàng thuốc Bắc. Đến đầu tháng là có họp chợ vì nhờ tầu hỏa từ ga Hàng Cỏ mang hàng lên, nên dân chúng quanh vùng làng Thổ Khối, làng Đông Hồ rủ nhau lũ lượt về đây.
Và tôi hẹn cô ta ở đấy, không nói anh cũng biết gái làng Nội Duệ gợi cảm và nhí nhảnh như thế nào. Cô ta gợi cảm ở cái miệng chanh chách, lích chích như chim chích chòe. Dây mơ rễ má thì ở dạo đó, tôi thân quen với cô qua cái duyên ngầm của hàm răng đen hạt huyền, gần gũi với nét đa tình, đa mang của cái yếm, mảnh vải gắn bó mật thiết với phần thân thể lộ liễu nhất của người con gái đang xuân. Mặc dù chỉ là mảnh áo che phần ngực và bụng, vừa gìn giữ vừa khêu gợi, che đậy nhưng phô bầy. Che nhưng muốn khoe, kín đấy nhưng cũng hở đấy.
Có bận cô tất bật đi chợ về, mồ hôi lấm tấm thấm qua lớp lụa mỏng, theo nhịp thở “Ngực yếm phập phồng hoa cau bưởi mướt”. Nhất là những ngày hâm hấp oi nồng, không mặc áo cánh, cô ngồi ngắt rau vặt lá, cứ hơ hớ cái lưng và mảng sườn non trắng nhẫy. Từ trên nhìn xuống, đôi gò bồng đảo hương còn ngậm khi ẩn khi hiện, một mạch đào nguyên suối chửa thông sâu hun hút. Để rồi thì lửa gần rơm lâu ngày cũng phải bén. Cái gì đến nó phải đến…Vào một ngày sang hè, hoa phượng bắt đầu rộ, ve sầu âm ỉ. Và tôi đã ỉ ôi để được “Luồn tay ôm say – Giấc bay lay đỉnh núi - Tuột hàng khuy lơi yếm buông mành” của cô ấy, và “Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết – Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây”.
Cái hôm tôi trở về để sửa sọan thi, cô trao cho tôi cái yếm “trao thân gửi phận”, ấy là cái yếm thắm hoa đào mà buổi trưa hôm mà hai đứa đầu ấp tay kề với nhau. Lúc đó tôi chỉ thẫn thờ với năm thương cổ yếm đeo bùa, sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng. Này anh ạ, chịu các cụ thật, các dậy bao giờ cũng đúng, sau này cái yếm như có bùa mê thuốc lú, đeo đẳng bám cứng theo tôi không rời. Nghĩ cho cùng ai chẳng một lần, dấu diếm trong ký ức, vấn vương với hai thương ăn nói mặn mà, ba thương má lúm đồng tiền. Để gìn vàng giữ ngọc với cái gương, cái lược thương em, không biết để đâu, để trong túi áo, lâu lâu lại dòm.
Tin hay không tùy anh, như một cái điềm, đưa khăn gửi áo…qua cầu gió bay. Và y như rằng, về đến Hà Nội, tôi với Hòang Cầm như cùng lụy một con đò. Số là, cũng vừa lúc cô Tuyết của hắn, không nói chẳng rằng lẳng lặng bỏ vào Nam bằng chuyến tầu đêm, hắn chạy đôn chạy đáo tìm cô Tuyết như thể tìm chim. Như cái rớt, tháng sau trở lại phiên chợ, tôi không gặp cô ấy nữa, cũng như hắn, tôi tìm cô tứ phương tám hướng, chim bay biểm bắc tôi tìm biểm đông. Rồi tôi đâm lo lo…”
Ngừng một chút, cụ so đo:
“…Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ đâu đó cũng không ngoài chuyện không chồng mà chửa, lệ làng thì è cổ đóng gông, đóng cheo, chỉ có nước bỏ làng, bỏ nước mà đi. Vì có lúc tôi nghĩ dại với câu nói năm xưa của bà ngọai tôi, quần áo phơi ở chuồng bò như phơi rốn là chửa ngay đấy. Vì vậy tôi cứ lạy trời khấn Phật chuyện đừng có gì sẩy ra với cô ta, rồi lại chộn rộn qua chuyện khác như thể là “Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím – Em lấy chồng rồi yếm trả lại anh”.
***
Những ngày tháng sau đấy, lu bu tất bật với chuyện thi cử, ra trường về Hà Đông làm việc. Năm 54 vào Nam, tôi hòan tòan bặt tin cô ta. Tiếp đến là tôi lập gia đình, qua sông ai lỡ quên đò, tôi đành phải dấu cái yếm đằng sau bức tranh của Nguyễn Gia Trí, bạn tôi. Nói vậy nghĩa là từ đó tôi không nhìn thấy nó nữa, có cũng như không. “Maitre” Trí chuyên về sơn mài, nhưng bức tặng tôi lại là sơn dầu. “Lúy” vẽ một cô mặc yếm, tần ngần bên cái chum có cái gáo, đằng sau có dăm cây chuối. Mấy năm sau, tình cờ đọc được bài thơ của Nguyễn Bính, tôi lại thẫn thờ về bà chị họ, hôm qua em đi tỉnh về, khăn nhung quần lĩnh rộn ràng. Để luyến tiếc, nào đâu cái yếm lụa sồi, lại hồi tưởng đến ngày hát quan họ ở đồi Lim, mới chợt nhớ ra cái yếm thắm hoa đào nằm sau bức tranh và quên rằng nó nắm ngay đấy, ngay trước mặt tôi…
Tôi nói có cũng như không là thế đấy. Cứ lững lờ như bèo dạt mây bay, cái yếm cứ nổi trôi với tôi theo năm tháng, mãi cho đến ngày tôi được nghe lại bài thơ “Bên kia sông Đuống”:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cuồng mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Chính cái khỏang thời gian này tôi mới u hòai nhiều về cô, hay là cô đang “cuồng mê” như Hòang Cầm. Để thấy cái óai oăm của hai thằng, tôi và cô Tuyết của hắn lưu lạc vào Nam, còn cô ấy và hắn đang “trảy hội non sông” ở một góc ruộng bờ đê nào đó. Càng ngày Hòang Cầm càng trải rộng yếm thắm trên con đường làng quê hương Bắc Ninh của hắn, ngay cả khóm tre đầu thôn cuối xóm “Dãy tre xa giấu biệt giải khăn điều”. Thì cái yếm của cô, vô hình chung tôi “giấu biệt” sau bức tranh. Và có một đôi lúc, tôi muốn đập bể kính ra tìm lấy bóng…
Cho đến năm 75 qua bên này và gặp bố anh. Tôi chưa thấy ai mê hát quan họ như ông ấy. Như của đi tìm người, một hôm tôi nghe được qua cái tếp “”cát sét” có một giọng ngâm mà âm hưởng rất Tao Đàn, rất Hà Nội. Bố anh cho biết đó là cô H., người thị xã Bắc Ninh, vẫn thường ngâm thơ của khách quen qua tếp. Không nói anh cũng hiểu, viết thì cần có người đọc, làm thơ thì cần có người ngâm. Mấy chục có là bao nên tôi rút ruột nhả tơ được mấy bài, gửi về cho cô H., vậy thôi. Rồi cũng lại qua bố anh, một hôm được xem cái tếp “vi đê ô”, thấy cô H. mặc áo tứ thân, tay cầm nón quai thao và hát quan họ. Anh biết không, tôi lặng người đi như người mất hồn, vì bóng dáng cô hao hao giống bà chị họ tôi như đúc. Riêng nụ cười chúm chím, thì không khác một mảy may với người xưa ngày nào năm ấy.
Tôi nói với bố anh là tôi sẽ đi theo con đường của Hòang Cầm, bây giờ về bên kia sông Đuống, anh lại tìm em, em mặc yếm thắm…
À mà này, anh cũng chả lạ gì với hai câu thơ của Bàng Bá Lân “Hỡi cô tát nước bên đàng – Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Ông thi sĩ một lần diễn giải là trăng vàng đổ đi, tưởng rằng đã mất…Nhưng những giọt nước vẫn còn vương vãi trên mặc đất, vẫn mờ tỏ rời rạc. Tôi về gặp cô H. cũng vì những hạt nước rơi vãi ấy..Lên thị xã Bắc Ninh, hôm trước hôm sau, vào một buổi tối, tôi tìm đến nhà cô và đứng nép xa xa trong một khỏang khuất, với những vẩn vơ về…
Tôi ngồi đồng nghe cụ từ…lá vàng trước gió sẽ đưa vèo, đến….vàng bay mấy lá năm già nửa…Nhưng tôi biết một chuyện qua bố tôi, vì cái tiền già eo hẹp, cụ phải bán bức tranh của Nguyễn Gia Trí để có tiền đi đường, từ đó tôi càng mến mộ cụ nhiều hơn. Đang miên man này nọ, như có linh cảm, bỗng nghe cụ bật cười khan và tiếp:
“…Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ bức tranh sơn dầu với cô gái đứng bên cạnh cái chum, có dính dáng đến Hòang Cầm cả đấy. Để tôi kể anh nghe: Hắn giống Nguyễn Bính, hắn chỉ thích yêu người bằng tuổi chị và không hiểu sao, ngòai tình yêu, điều gợi cảm nhất đối với hắn là bộ ngực ngốt người. Vì vậy mới yêu cô Vinh hát quan họ, rồi cô làm lẽ cho ông Quản đóng lính cho Tây. Đến năm mười lăm tuổi, hắn gặp chị Nghĩa, còn có cái tên khác là chị Bống. Hắn thố lộ với tôi: “Nhà không có ai, chị thường ôm ghì lấy tớ, dần dần quen tớ cũng sờ sọang bên ngòai áo. Từ đấy, mỗi khi được chị ôm, tớ đưa thẳng tay vào trong yếm…”. Một hôm cả nhà đi vắng, qua mấy kẽ hở của cái phên liếp, hắn lò dò nhìn trộm chị Nghĩa đang kỳ cọ. Ở quê mình tắm táp thì vẫn mặc quần và đeo yếm, nước ngấm qua vải, nghe hắn diễn tả thì cũng gợi tình và rạo rực lắm. Đang chổng mông ngỏng cổ cò, bỗng hắn nghe giọng chị Nghĩa rất thản nhiên nói vọng ra: “Cứ đẩy cửa rộng ra mà vào…”.
Từ mành thưa phên liếp ở cái tuổi mười mấy, mãi đến năm 1960 hắn làm thêm bài thơ về chị Bống…Tựa đề bài ấy, tôi lại quên khuấy đi mất…Hình như “Sáo Tắm” thì phải, tôi chỉ nhớ lõm bõm bốn câu cuối:
Lý lý ơi khát khô cả giọng
Tình tình ơi chớ động mành thưa
Chìa vôi quệt gió hững hờ
Bờ ao sáo tắm bao giờ…hả em
Và tôi đứng dưới gốc cây gạo sế cửa nhà cô H., với những thẫn thờ, già rồi anh ạ, chuyện gần thì quên, chuyện xa thì nhớ. Ấy là đã từ lâu tôi như bị thôi thúc tìm về con đường mòn cũ, cùng những khắc khỏai trong buổi trưa hè, bà chị họ vén yếm cho con bú, mầu vỏ chay, vỏ bứa, mầu nâu đất của ruộng vườn, chôn xâu bám chặt cùng một mầu trắng phôi pha. Cùng tiếng võng hiu hắt, đong đưa về với tiếng hát quan họ của những cô gái đồi Lim “Rằng tôi lý ới a tháng Giêng, ới a tính tang tình rằng – Cho đôi mình gặp, xem hội cái đêm trăng rằm”. Như khúc đồng dao mà những tiếng láy, tiếng đệm là những nốt nhạc đơn điệu, là cái gạch nối của của chiếc nón quai thao, cái thắt lưng ruột tượng và cũng không thể quên khóe mắt sắc như dao cau, lông mày lá liễu. Tôi không nhìn qua kẽ hở, để đợi bờ ao sáo tắm bao giờ hả em…Mà chỉ hình dung lúc này bên kia con ngõ nhỏ, đằng sát cửa sổ, dưới ánh đèn:
Ngồi trước gương, “con sáo” của tôi đang rũ phấn chùi son, thấy cặp lông mày cạo trắng, kẻ đậm bằng bút chì đen. Lại mường tượng đến ai đấy đang trút tháo xiêm y: Thấy hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều, nào đâu cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen, để chẳng tìm thấy hơi hướng của hoa khế, hoa cau. Nào đâu yếm thắm hương xưa, cây chanh lại nở hoa chanh, để con bướm trắng bay quanh cả ngày. Cùng hòai vọng “Thuyền thúng là thuyền thúng ơi – Có ai về trong quan họ cho đi nhờ” với hững hờ đến ngẩn ngơ…
Bao giờ tìm được…lá diêu bông.
Thế nhưng ngay lúc ấy, qua đôi mắt với…cặp lông mày cạo trắng như trống vắng, cỏ xót xa đưa cỏ xót xa người, cơm mắm thấm về lâu, khi không tôi lại thẫn thờ hồi tưởng lại cái ngày tôi về quê nhà gặp người con gái đầu đời năm xưa. Tôi gặp người xưa ngày nào chổng mông mặc váy bên cánh đồng…Nay đang bán hàng nước, mắt hấp háy nhìn tôi như người xa lạ…Như tôi đã nói với anh: “Nếu biết thế thà đừng về gặp người xưa năm cũ nữa thì hay hơn!”
***
Nghe tin cụ nằm trong viện dưỡng lão, qua lời dặn dò bố tôi. Tôi vào thăm với một túi đồ ăn, gần đất xa trời, cụ vẫn chỉ quanh quẩn với cọng ngò, nhánh hành rang cháy, và đó cũng là đĩa bánh cuốn Thanh Trì đầy vơi cuối đời của cụ. Cắn được một, hai miếng, cụ lắc đầu thều thào về một quán tre, nóc rơm mái rạ, ẩn khuất bên bờ sông Đuống, trong một ngày đầu năm cùng mưa phùn gió bấc. Và tôi không ngạc nhiên, vì cụ lúc nào cũng canh cánh bên lòng một nơi chốn nào đó với bến cũ, con đò xưa. Để tôi cũng chẳng lấy gì làm lạ khi thấy trên đầu giường, cụ không treo tranh ảnh, cũng chẳng tượng Phật, hình Chúa.
Lạc lõng và chơ vơ là một mảnh yếm thắm hoa đào đã phôi phai.
Tuần sau cụ mất…Đám tang nhằm vào một ngày trong tuần nên tôi không tiễn đưa cụ lần cuối. Và trong thâm tâm, tôi hiểu rằng cái yếm hoa đào ấy, giờ này đang rong ruổi với cụ, không phải phiêu lãng về một miền viên miễn xa xăm. Mà đang thong dong ở đầu thôn cuối xóm, trên con đường mòn gần đồi Lim, cỏ non xanh mướt tận cuối chân trời“Sớm đi chơi hội – Tối về quay tơ - Dải yếm phất phơ”. Gần đấy là dẫy núi Thiên Thai, mây trắng giăng giăng đầu núi. Trong nắng hanh vàng của một ngày đầu xuân, văng vẳng đâu đây có tiếng hát quan họ của một cặp trai gái. Hình như họ biết nhau tự thuở nào, xa vắng một thời gian nay mới gặp lại. Nghe lóang thóang có một giọng “liền anh” bùi ngùi, với nhớ và mong cất lên, và một giọng “liền chị” e dè, đầy mặn nồng tình tự đáp lại:
Liền anh tay cầm ô, đầu đội khăn xếp, áo the đen:
Gần đây mà chẳng sang chơi
Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu
Liền chị tay giữ nón quai thao, áo tứ thân, yếm thắm hoa đào:
Mồng tơi chẳng bắc được cầu
Để em trải yếm bắc cầu anh sang
Phí Ngọc Hùng
|