KHI ĐẢNG ‘ĐA NGUYÊN’ KIỂU ‘NGŨ ĐẠI GIA’ CỦA MAFIA
Việt Nam vẫn hàng năm đạt tốc độ tăng trưởng cỡ 7%, tức là giàu có thêm bảy tỷ đô la. Ngẫu nhiên sao, bảy tỷ đó cũng là số tiền tươi mà người Việt bên ngoài gửi về...
Năm 1975 là một năm Mão. Khi chiến tranh kết thúc thì dù thắng dù bại, người người đều mong hòa bình được vãn hồi sẽ tạo điều kiện tái thiết và phát triển đất nước. Ba mươi sáu năm sau, hình như đất nước có phát triển thật! Nhưng nếu nhìn lại thì có lẽ người ta nên tự hỏi là với cái giá phải trả là những gì?
Và 25 năm sau "đổi mới kinh tế”, Việt Nam sẽ đi về đâu?
Một cái nhìn lạnh lùng về kinh tế có thể góp phần cho câu trả lời...
Trước hết, về bối cảnh thì từ 1945 đến 1975, ưu tiên của người Cộng sản Việt Nam là... cộng sản hóa xứ sở. Họ có nói thật mà người ta không tin! Rồi giờ này nhiều người còn tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã tàn lụi, chuyện "chống cộng" trở thành lỗi thời, lạc hậu. Một sự quái lạ!
Vì ưu tiên là cộng sản hóa, lại lồng trong Chiến tranh lạnh, việc tiến hành chiến tranh - hoặc nói cho văn hoa là đấu tranh - là một nhu cầu tất yếu. Nhờ viện trợ của khối Cộng sản, vấn đề kinh tế không là ưu tiên. Và sách lược phát triển kinh tế xã hội chủ yếu dựa vào lý luận kinh tế chính trị học Mác-Lenin, một lý luận chưa hề được kiểm chứng giá trị trong thực tế.
Sau khi nắm được chính quyền tại miền Bắc, người Cộng sản có tiến hành một số chánh sách kinh tế xã hội vay mượn từ Liên Xô hay Trung Quốc - như ưu tiên phát triển kỹ nghệ nặng trên một xứ nông nghiệp, hoặc cải cách ruộng đất theo kiểu duy ý chí và sắt máu của Mao. Khi ấy, Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại hay "Đại Dược Tiến" của Mao đã có lúc được coi là mẫu mực với kết quả cực kỳ thảm khốc và có gây tranh luận về lý luận.
Nhưng, tranh luận không ngã ngũ mà cũng chẳng có kết quả vì sự sai lầm bị khỏa lấp trong nhu cầu chiến tranh và chìm trong mối quan hệ của Hà Nội giữa Trung Quốc và Liên Xô. Vụ án gọi là "Xét lại chống Đảng" có thể là một thí dụ về sự bịp bợm của ngôn ngữ.
Với người cộng sản - kể cả các tay lý luận kinh tế đã thành chuyên gia nhờ thấm nhuần Triết học Mác-Lenin hơn là kinh tế học - việc quản lý một quốc gia cộng sản hay xã hội chủ nghĩa là chuyện đơn giản. Năm xưa, Lenin đã chỉ ra rằng nó cũng đơn giản như dịch vụ phát thư mà!
Vì vậy, sau khi chiến thắng và lật đật thống nhất cả nước năm 1976, lãnh đạo Hà Nội tiến hành việc quản lý theo bài bản đơn giản này. Đó là kế hoạch tập trung quản lý để "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa".
XÂY DỰNG và BẢO VỆ
Nhưng trong này, ta nên phân biệt hai hướng tranh luận hay chánh sách áp dụng từng thời.
Khi người cộng sản nói "xây dựng xã hội chủ nghĩa", họ không hàm ý tích cực của chữ xây dựng mà là tiêu diệt mọi mầm mống "phi xã hội chủ nghĩa" - tiểu thương, tư sản hay tư bản. Tức là cải tạo xã hội. Về kinh tế thì phải cải tạo quan hệ sản xuất để giành lại cho guồng máy của đảng và nhà nước quyền làm chủ các phương tiện sản xuất. Nôm na là tịch thu bằng thông cáo.
Lý luận cực đoan này dẫn tới khủng hoảng và lầm than, khiến quyền lực đảng bị đe dọa. Khi đó, người cộng sản lại có khẩu hiệu khác, đó là "bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa".
Gặp trường hợp ấy, đảng tạm chậm nhịp cải tạo cho dân thở để đi vào sản xuất hầu đảng có thể trưng thu được phương tiện bảo vệ bộ máy cai trị. Chìm sâu dưới lý luận này là chân lý "có thực mới vực được đạo". Đạo ở đây là "cách mạng vô sản".
Do đó, khi nghe người cộng sản nói "bảo vệ", ta biết là người dân tương đối dễ thở, như Chính sách Kinh tế mới (NEP) của Lenin tại Liên Xô năm 1921 hay sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ Sáu vào tháng Tám năm 1979 tại Việt Nam. Năm đó, chế độ bị lung lay vì cuộc chiến tại Kampuchia và sức ép của Trung Quốc.
Nhưng việc nới lỏng như vậy không thể kéo dài vì chệch mục tiêu cách mạng là tiến lên xã hội chủ nghĩa. Cho nên sau đó chánh sách chấp nhận hợp đồng với các hộ trong hợp tác xã bị bãi bỏ, một số sáng kiến của người cộng sản ở trong Nam bị phê phán.
Để kết luận về khung cảnh lý luận, lãnh đạo Cộng sản rất lúng túng và có tranh luận về quốc kế dân sinh, nhưng không dời đổi mục tiêu. Vì chủ quan, 10 năm sau 1975 là 10 năm phá sản, khủng hoảng, với lạm phát phi mã. Đó là dấu mốc 1975-1986, tiền đề cho chuyện đổi mới.
BA NHỊP ĐỔI MỚI
Khi kinh tế bị khủng hoảng cùng cực vào các năm 1984-1985, Hà Nội biết mình sai, kể cả những người trước kia rất cực đoan như Trường Chinh.
Họ càng biết sau khi Mikhail Gorbachev lên làm Tổng bí thư tại Liên Xô vào đầu năm 1985 và ông ta không chỉ cải cách mà còn khuyến cáo các nước xã hội chủ nghĩa khác phải thay đổi. Bên kia biên giới, Đặng Tiểu Bình cũng đã phát động cải cách tại Trung Quốc từ đầu năm 1979 mà Hà Nội chưa hiểu gì nhiều về nội dung vì đôi bên đã đoạn giao sau cuộc chiến 1979. Bị rát tay vì muốn "cho Hà Nội một bài học", họ Đặng đã thuyết phục được tướng lãnh và phe thủ cựu còn lại là phải hiện đại hóa, nghĩa là cải cách để "bảo vệ", và việc xây dựng xã hội chủ nghĩa có thể sẽ kéo dài 50 năm, hoặc cả trăm năm cũng chẳng sao.
Nhưng khi ấy dù biết mình sai, Hà Nội vẫn chưa biết thế nào là đúng. Đại hội đảng Khoá VI là biểu hiện của trạng thái kỳ lạ đó mà ta có thể gọi là "đổi mới nhịp một".
Tức là phát động đổi mới một cách miễn cưỡng và tiêu cực: đảng và nhà nước tạm buông bàn tay ôm đồm hắc ám của mình cho người dân được túa ra làm ăn. Làm việc và ăn nói. Đấy là thời kỳ "đổi mới tự phát", nổi từ dưới lên, chứ không hẳn là ban hành từ trên xuống một cách lớp lang, có trình tự hẳn hoi.
Trạng thái miễn cưỡng ấy kéo dài năm năm, cho tới khi Liên Xô khủng hoảng, tan rã và Hà Nội rút quân khỏi Kampuchia để giảm bớt hao tổn chừng 5% tổng sản lượng một năm. Rồi tái lập bang giao với Trung Quốc. Khi đó, từ 1991, đảng và nhà nước phải đổi mới từ trên đầu xuống.
Đó là "đổi mới nhịp hai".
Nhưng lại theo hai hướng trái ngược. Về kinh tế thì chấp nhận chế độ kinh tế nhiều thành phần, chủ yếu là cho phép thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa được kinh doanh thoải mái hơn. Nhưng về văn hoá chính trị thì lại xiết chặt - nôm na là dẹp luôn trò "cởi trói văn nghệ".
Chỉ vì kinh nghiệm khủng hoảng tại Trung Quốc từ vụ Thiên An Môn năm 1989 và sự sụp đổ của Liên Xô khi Gorbachev tiến hành cả cải cách kinh tế (perestroka) lẫn chính trị (glasnost).
Trong 10 năm sau đó, từ 1991 đến năm 2000, Hà Nội đổi mới theo kiểu mò chân xuống nước để tìm đường đi và chỉ cải cách những gì không đe dọa quyền lực của đảng.
Vì lối tư duy đó, dù đổi mới đã có bài bản hơn, và từ trên ban xuống, đảng vẫn chỉ đổi mới nửa vời, có chọn lọc theo lối vừa học vừa sửa. Và học của Bắc Kinh.
Về lý luận thì vẫn là tiến lên xã hội chủ nghĩa, nhưng nhờ kinh tế thị trường. Đó là khẩu hiệu "kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước" phát minh vào năm 1994, rồi "kinh tế thị trường do nhà nước quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa" sau này. Dù chẳng ai giải thích được cái "định hướng" ấy là gì.
Khi tư nhân được phép kinh doanh, dù là trong chế độ kinh tế thị trường hoang dại, thiếu hạ tầng cơ sở luật lệ minh bạch, thì tình hình sản xuất có cải tiến. Đảng coi đó là công lao của mình. Chuyện ấy cũng dễ hiểu. Nhưng khó tha thứ hơn là một hiện tượng mới, bắt đầu xuất hiện sau khi kinh tế được giải phóng một phần.
Đó là "đổi mới nhịp ba".
Chúng ta đi tới tình trạng ngày nay, phát sinh trong 10 năm đầu của thế kỷ 21. Khi hết sợ khủng hoảng và sụp đổ thì đảng tìm ưu thế có chọn lọc của khu vực kinh tế nhà nước, của tổng công ty quốc doanh và tập đoàn kinh tế chiến lược theo kiểu "chaebols" Nam Hàn.
Khu vực kinh tế chủ đạo ấy thật ra sản xuất kém, tuyển dụng ít nhân công nhưng thu hút rất nhiều tín dụng và đầu tư để tập trung tiền tài vào một thiểu số. Thiểu số này là đảng viên cán bộ và thân nhân, trở thành triệu phú hay tỷ phú bằng đô la và có ảnh hưởng vào Trung ương đảng lên tới Bộ Chính trị.
Tham nhũng chỉ là hậu quả tất yếu nhờ chế độ độc tài. Nạn bất công xã hội cũng vậy, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng đào sâu giữa các thành phần kinh tế và giữa các địa phương.
Nhưng về kinh tế thì họ làm lệch lạc việc sung dụng tài nguyên quốc gia và gây nhiều lãng phí. Mà về môi sinh thì tai họa cho tương lai Việt Nam là một "ẩn phí" kinh hoàng. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở hữu hình là hệ thống tồn trữ và chuyển vận cùng hạ tầng cơ sở vô hình là luật lệ thì vẫn lạc hậu, thô sơ.
Vì thế kinh tế Việt Nam không có nền móng lành mạnh, tăng trưởng không có phẩm chất và Việt Nam không có hy vọng bắt kịp các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Chưa nói đến sự lệ thuộc khó gỡ vào nền kinh tế Trung Quốc.
Kết lại cho dễ nhớ thì 35 năm qua có 10 năm hoang tưởng và khủng hoảng 1976-1986, năm năm bần thần lúng túng 1986-1991, 10 năm đổi mới nửa vời 1991-2001 và 10 năm đảng viên cán bộ làm giàu trên thành quả giả của tăng trưởng và tổn thất thật cho xứ sở.
Như vậy, đổi mới sẽ đi về đâu?
CÂU HỎI CHO TƯƠNG LAI
Tương lai ít khi là đường thẳng vạch ra từ quá khứ, thí dụ như với tốc độ tăng trưởng là 7% một năm thì lợi tức của Việt Nam sẽ nhân đôi sau mỗi 10 năm. Đường thẳng ấy sẽ có nhiều khúc bẫy bất ngờ.
Nhưng ta vẫn phải nhìn vào thực tế Việt Nam để e ngại những giả thuyết xấu nhất xuất phát từ huyền thoại đổi mới. May ra thì dự đoán ra các khúc gẫy!
Thứ nhất, đổi mới có dẫn tới một chân lý mới, đó là "có thực mới vực được đạo... tặc".
Vì thiếu thực lực, Việt Nam không có chế độ chính trị hung đồ như Trung Quốc mà một chế độ chính trị đạo tặc, ăn cướp. Đảng viên cán bộ có đầy thẩm quyền tham nhũng giữa ban ngày, tức là ăn cướp. Những vụ án tham nhũng hay chuyện Vinashin phá sản chỉ là mặt nổi ở trên.
Hậu quả thứ hai của chế độ chính trị đạo tặc ấy là một xã hội lý tài, chạy theo mối lợi vật chất và các biểu hiện hình thức của nó. Trong xã hội lý tài đó, có quan hệ với đảng viên cán bộ để cùng nhau làm giàu là phép ứng xử khôn ngoan của rất nhiều người. Hạ tầng cơ sở mục nát lạc hậu vẫn không ngăn được các đại gia khoe của bằng phi cơ riêng hay những loại xe hơi đắt tiền nhất.
Hậu quả thứ ba là nạn băng hoại tinh thần và hết phân biệt đúng sai về luân lý hay luật pháp. Tiền bạc và quan hệ chính trị thừa sức xé luật, và trở thành chân lý xã hội. Với chế độ giáo dục và đào tạo phá sản trên cái nếp văn hoá lý tài và trục lợi đó, các thế hệ tương lai sẽ khó có tương lai - trừ phi xuất ngoại và ở luôn bên ngoài. Còn lại là một xã hội chỉ muốn làm gia công.
Hậu quả thứ tư, kinh tế không thể phát triển với nền móng ruỗng nát đó và vì vậy, càng khó tạo ra phương tiện bảo vệ chủ quyền. Khó cạnh tranh với thiên hạ, Việt Nam sẽ nương vào thiên hạ để kéo dài sự phồn vinh giả tạo và rất dễ bị chấn động oan uổng vì sai lầm trong chánh sách, khi nhà nước quản lý rất rộng cái gì cũng xía vào - mà cũng rất nông vì chẳng điều động được gì.
Hậu quả thứ năm, ở trên cùng, ở thượng tầng chính trị, ta sẽ có một đảng... đa nguyên.
Hà Nội không chấp nhận chính trị đa nguyên và vẫn chủ trương độc đảng dưới nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa mà chính các đảng viên đã hết tin. Nhưng cái đảng độc quyền này mặc nhiên bị phân hóa không phải ra nhiều xu hướng chính trị khác nhau mà thành nhiều trung tâm quyền lợi khác nhau. Vì quyền lợi, các phe nhóm đấu đá lẫn nhau và tạo ra ảo giác là có đấu tranh giữa phe thực tiễn với phe cực đoan, phe tham nhũng với phe trong sạch.
Thực tế thì phe nào cũng thực tiễn kiếm tiền và cực đoan bảo vệ đặc quyền và đặc lợi của họ.
Cái nghịch lý độc đảng mà đa nguyên này là điều kỳ lạ nhưng nguy hại nhất, và có thể khiến người đấu tranh về chính trị cho dân chủ của Việt Nam dễ hiểu lầm. Nhất là khi Hà Nội đã bang giao với Hoa Kỳ, đảng viên cán bộ kiếm rất nhiều tiền để... tái đầu tư vào thị trường Mỹ! Có khi còn nhờ người Việt tại Mỹ tác động vào chính trường Mỹ theo chiều hướng có lợi cho họ qua lý luận là nếu kinh tế mà cải thiện thì tất nhiên dẫn tới cải thiện chính trị. Nếu nhờ Mỹ mà trở về giữ thế "đối lập nhịp nhàng" thì có khi lại bỗng chốc nên quan.
Trong khi ấy, và đây là nghịch lý khác, Việt Nam vẫn hàng năm đạt tốc độ tăng trưởng cỡ 7%. So với Tổng sản lượng chừng 100 tỷ đô la hiện nay thì như vậy mỗi năm lại giàu có thêm bảy tỷ. Ngẫu nhiên sao, bảy tỷ đó cũng là số tiền tươi mà người Việt bên ngoài gửi về, theo ngả chính thức mà trong nước gọi là kiều hối. Thực tế thì còn cao hơn nhiều!
Chúng ta thấy có gì đó không ổn với tình trạng quái dị này của đất nước. . Nhưng nhiều người vẫn không thấy, vì quả thật Việt Nam có thay đổi trên cái trục thời gian - 2005 có khá hơn 1985 – mà lại tụt hậu trên cái trục không gian nếu ta so sánh với các nước trong khu vực Đông Á.
*
Để kết luận ngắn gọn, ý thức hệ cộng sản và lề lối quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa đã phá sản nhưng không vô dụng cho đảng. Khi phải đổi mới kinh tế, người cộng sản dùng lý luận xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh ngụy trang một cho hình thức bóc lột mới. Bên dưới là một sự tan hoang không lối thoát. Hạ tầng kinh tế không khá được vì thượng tầng chính trị ở trên.
Như thông lệ, đảng cộng sản chỉ thay đổi khi bị khủng hoảng. Và lần này, khủng hoảng có thể làm các đảng viên tiêu tán vì mọi biến động kinh tế đều lan vào xã hội - và dội lên chính trị.
Nhưng một trận khủng hoảng nữa thì sẽ dẫn Việt Nam tới đâu, ở bên Trung Quốc là mẫu mực - mà hành xử như mẫu quốc?
Cước chú cho tấm hình: Sau khi mọi ông thần đều... cụt đầu, cái đảng độc quyền mặc nhiên bị phân hóa, nhưng không phải ra nhiều xu hướng chính trị khác nhau. Nó thành đa nguyên theo kiểu... mafia có ngũ đại gia.
__
(Viết cho Việt Báo Xuân Tân Mão – ngày 17 Tháng Hai, 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét