Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2008

Trần Huỳnh Duy Thức: ĐÔ-LA NGOẠI SẼ ĐI TỚI ĐÂU (tiếp theo)

Phần đầu

Tham nhũng hãm tốc độ

Chẳng có gì là không chính xác khi nói rằng nguyên nhân của tất cả mọi vấn đề trên làm nền kinh tế lưu thông ì ạch là do tham nhũng. Vì để được hối lộ nên những thủ tục hành chính quan liêu không thể cải thiện bất chấp quyết tâm cải cách hành chính từ trên cao. Người dân muốn được việc thì phải chi tiền bôi trơn, càng làm giảm đi nguồn vốn. Vì để được đút lót, ăn chia những món lợi béo bở từ làm giá đầu cơ chứng khoán, bất động sản nên quan chức mới tiếp tay cho những nhóm lợi ích. Tham nhũng không những làm chậm tốc độ lưu thông tiền mà còn giảm mạnh hiệu quả sử dụng vốn. Một tác động kép thật tai hại.

Tham nhũng là nhân chứ không phải là quả, không như chủ tịch nước thường nói “tham nhũng là do ta quản lý kém”. Do tham nhũng nên hệ thống quản lý kém đã cố tình được tạo ra và duy trì. Muốn chống tham nhũng thì phải hạn chế rồi tiến đến triệt tiêu động lực tham nhũng. Thế nào để làm được điều đó thì đã có nhiều góp ý gửi cho các vị lãnh đạo cao nhất từ lâu. Vấn đề còn lại là ở các vị. Chống tham nhũng vừa dễ vừa khó. Dễ vì nó chẳng tốn kém gì mà lại còn được lợi, không phải đánh đổi cái gì khác như các giải pháp chống lạm phát đang thực hiện. Khó vì nó đòi hỏi người ta phải vượt qua khỏi những gì đời thường, những vấn đề lịch sử, những vấn đề tình cảm và lợi ích cá nhân để chỉ nhắm đến một thước đo duy nhất: quyền lợi của đa số dân chúng.

Ở Việt Nam nhập siêu tăng nhanh cũng có phần đóng góp của tham nhũng. Các quan chức tham lam giờ đây thích tích trữ tài sản ở nước ngoài. Họ yêu cầu các đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu và dịch vụ nhập khẩu phải thanh toán tiền hối lộ ở bên ngoài. Giá nhập khẩu vì vậy mà bị nâng lên. Năm ngoái thủ tướng chính phủ có văn bản chỉ thị một số chủng loại hàng hóa mà các đơn vị nhà nước phải mua qua các doanh nghiệp trong nước thì các quan chức tham nhũng này yêu cầu các nhà thầu trong nước phải có công ty đại diện ở nước ngoài để ký hợp đồng cung ứng cho những phần hàng hóa nhập khẩu. Với mức nhập khẩu lớn như Việt Nam hiện nay, một khoản thất thoát 5-10% từ nhập khẩu của các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng làm cho nhập siêu tăng thêm vài tỷ đô-la Mỹ một năm.

Chống lạm phát hiệu quả

Một lần nữa, xin được kêu gọi chính phủ hãy dừng ngay chính sách thắt chặt tiền tệ gia tăng lãi suất để chống lạm phát. Hãy tập trung gia tăng tốc độ lưu thông tiền cho cả nền kinh tế bẳng cải cách hành chính kèm chống tham nhũng triệt để. Song song đó, tập trung lành mạnh hóa ngay thị trường chứng khoán và bất động sản để đưa nó vào chu trình vận hành chung của cả nền kinh tế nhằm thực sự tạo ra của cải vật chất phục vụ cho người dân chứ không phải là công cụ để đầu cơ trục lợi. Điều này đồng nghĩa với việc nó sẽ được trả về với giá trị thực và sẽ có không ít kẻ đầu cơ phá sản. Nhưng tuyệt đối không cứu thị trường, không cứu bất kỳ ai tham gia vào thị trường bằng bàn tay của nhà nước. Thay vào đó là tập trung xác lập một thị trường hoàn toàn cạnh tranh[8], đảm bảo sự công bằng cho mọi thành phần kinh tế kể cả nước ngoài được tham gia dễ dàng vào thị trường. Nhưng nhà nước phải có những chương trình hỗ trợ (chứ không phải bảo hộ) cho các thành phần kinh tế trong nước bằng những biện pháp xanh phù hợp với qui định của WTO.

Thực tế sau gần 5 tháng thực hiện thắt chặt tiền tệ cho thấy nó chẳng mang đến kết quả nào cho việc chống lạm phát. Cung tiền thay vì phải giảm thì vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ lưu thông tiền vẫn chậm chạp[9]. Tiền tăng nhưng nền kinh tế vẫn thiếu vốn, doanh nghiệp trong nước vẫn khát tiền, người dân không có niềm tin lạm phát sẽ giảm. Đua tranh lãi suất để thu hút tiền tiết kiệm trong dân thực chất không khác gì tiếp máu để nuôi những hạch ung thư chứng khoán và bất động sản. Chỉ có cách tăng cao tốc độ lưu thông tiền thì doanh nghiệp sẽ cần ít vốn đi mà vẫn có thể tăng được sản lượng nhanh chóng với chi phí thấp – một yếu tố quan trọng để giảm lạm phát. Nếu làm thật tốt điều đó thì có khi chẳng cần phải vay thêm vốn, có thể điều chuyển vốn lưu động đang dôi ra (do tốc độ quay vòng vốn được cải thiện) để đầu tư phát triển, tiếp tục tạo ra sản phẩm đáp ứng rất tốt cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước.

Về phía người dân, một chính sách vĩ mô đúng đắn vào lúc này là phải thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa và làm sao để người dân có đủ sức mua nhằm gia tăng thể lực, trí lực hơn nữa để thay đổi thành phần của mình cao hơn. Trí lực và thể lực của người dân là những nền tảng quan trọng để tạo ra của cải cho quốc gia, chúng càng tốt thì đất nước càng mạnh, người dân càng giàu. Có tiền mà đem cất đi thì người ta không thể thay đổi tốt hơn, xã hội không thể phát triển thịnh vượng. Quốc hội cần điều chỉnh ngay mức phải nộp thuế thu nhập dành cho người có thu nhập cao hiện hành phù hợp với mức độ lạm phát, cần đình hoãn việc thi hành luật thuế thu nhập cá nhân vào đầu năm sau đến một thời điểm thích hợp. Việc này chắc chắn sẽ tạo niềm tin cho dân chúng rất lớn để tiếp tục đầu tư vào tương lai, thay vì hoài nghi phòng thủ bằng những kế hoạch dự phòng tiêu cực như hiện nay. Khi không có niềm tin thì việc làm đó của người dân là chính đáng.

Việc lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ thực sự giải nguy cho các ngân hàng vốn đang rất nguy cấp vì bị chôn một lượng tiền cực lớn vào đó. Không những thế, nó còn làm giảm ngay áp lực đua tranh gia tăng lãi suất. Cùng với lượng vốn cần ít đi do tốc độ lưu thông tiền tăng mạnh chắc chắn sẽ kéo lãi suất xuống mức thấp. Làm thật tốt thì kéo lãi suất xuống dưới 10% trong năm nay không phải là việc quá khó. Chính phủ không được can thiệp, ngược lại cần hỗ trợ các ngân hàng phát mãi các tài sản thế chấp không thanh toán được nợ cho dù con nợ đó có là ai. Số tiền thu hồi về có thể không thể bằng lúc cho vay ra nên phải chịu lỗ nặng, nhưng lỗ nặng còn hơn là sụp đổ lúc chưa kịp lỗ. Dù sao các ngân hàng cũng đã được hưởng lợi quá lớn thời gian trước. Ngân hàng không còn nguy cơ, doanh nghiệp không bị khát vốn, người dân không cần thủ nhiều dự trữ thì sức mạnh của những kẻ ghim giữ tiền với những mưu tính thâm hiểm sẽ giảm đi một cách đáng kể.

Những kẻ này muốn đưa tiền vào lưu thông cũng không phải dễ nếu như chính phủ có biện pháp chống đầu cơ hữu hiệu. Muốn vậy thì giá cả phải được hoàn toàn linh hoạt theo nguyên tắc thị trường đồng thời với việc chính phủ phải tập trung giám sát và chế tài nghiêm ngặt việc tuân thủ luật pháp để duy trì một môi trường cạnh tranh quyết liệt. Việt Nam đã có đủ những bộ luật như vậy, điều cần thay đổi là sửa các nghị định để tăng mức xử phạt hành chính lên thật cao, thật thích đáng. Việc ghìm giá chẳng mang đến lợi ích gì ngoài việc tiếp tay cho tham nhũng và làm giảm động lực đầu tư cho sản xuất để gia tăng sản lượng.

Duy nhất 3 mặt hàng là xăng dầu, điện, nước cần được nhà nước trợ giá. Việc nâng giá xăng dầu vừa rồi chính phủ đã bỏ mất một cơ hội và công cụ quan trọng để tạo sự bình ổn vĩ mô. Nếu giữ mức giá cũ thì ngân sách nhà nước chỉ cần bù không quá 15 ngàn tỷ đồng trong năm nay (không thể là trên 70 ngàn tỷ như bộ trưởng Tài chính phát biểu). Con số này quá nhỏ so với thu 85 ngàn tỷ đồng từ dầu thô vào ngân sách 2008, nó chưa bằng khoản thặng dư tăng thêm do giá dầu thô tăng vọt. Trong tình hình vĩ mô rất nhiều biến động, các nhà quản lý rất cần một số cái neo để cố định một vài yếu tố đầu vào quan trọng. Khủng hoảng giá dầu thế giới gây rối loạn cho rất nhiều nền kinh tế. Nhưng Việt Nam may mắn khai thác được dầu thô. Dùng thặng dư do tăng giá dầu thô để trợ cấp giữ cố định giá xăng dầu cho toàn dân, cho cả nền kinh tế là biện pháp vừa hợp đạo lý, vừa mang lại hiệu quả cao. Nhiều ý trả lời, phát biểu của nhiều quan chức chính phủ cho thấy những quan điểm sai lầm: trợ giá là phi kinh tế thị trường trong khi đó các mệnh lệnh hành chính để áp chế giá cả lại được xem là cần thiết của chính phủ trong nền kinh tế thị trường. Những phản bác chỉ trích về việc trợ giá xăng dầu nếu có sẽ đến từ những nước thành viên WTO, nhưng tới hiện nay Việt Nam chưa bị ràng buộc bởi những việc làm như thế. Giá xăng dầu đã được điều chỉnh lên bằng mức ở Mỹ, ở Úc. Thế nhưng bộ trưởng Tài chính vẫn dự kiến có thể sẽ phải bù trên 50 ngàn tỷ đồng cho đến cuối năm nay thì thực sự phải đáng lo ngại.


Quốc doanh và tư nhân

Cần tạo điều kiện ngay cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh mà Việt Nam đã cam kết mở cửa cho nước ngoài theo lộ trình gia nhập WTO, sắp tới là hiệp định đầu tư song phương với Mỹ. Doanh nghiệp tư nhân hiện nay không chỉ bị hạn chế đầu tư bởi lãi suất cao mà còn bị gạt ra bên ngoài bằng rào cản pháp lý. Những lĩnh vực có khả năng sinh lời cao hiện nay chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước và được cam kết cho nước ngoài tham gia vào sau 3 đến 5 năm gia nhập WTO. Doanh nghiệp trong nước không có lý do gì không thể tận dụng lợi thế đi trước trên sân nhà. Doanh nghiệp tư nhân thì không được làm, doanh nghiệp nhà nước cả năm nay dồn sức cho những khoản đầu tư vào chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bất động sản và nhiều việc trái nghề khác, giờ thì loay hoay với cắt giảm đầu tư công. Điều này lại càng tạo ra thêm những khoảng trống tai hại cho các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng lấp vào.

Hơn nữa, cần thay đổi vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước là để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, chứ không phải trở thành những đối thủ cạnh tranh mạnh, trực diện với khu vực tư nhân như hiện nay. Với tiềm lực lớn, các doanh nghiệp nhà nước luôn phải đi tiên phong để đầu tư vào những hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi đầu tư lớn để phục vụ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ, xem họ là khách hàng của mình. Người ta sẽ phải hỗ trợ và nâng đỡ khách hàng của mình chứ không thể chèn ép như tình trạng hiện nay. Làm được như vậy thì cả 2 khu vực doanh nghiệp trong nước đều mạnh, tạo ra một nội lực rất khỏe. Chính sức mạnh này sẽ cuốn các đầu tư nước ngoài vào để gia tăng thêm giá trị và sức mạnh cho guồng máy kinh tế Việt nhờ kết hợp với công nghệ ngoại và kết nối với thị trường quốc tế. Với thực trạng “chia rẽ” như hiện nay nền kinh tế đã yếu lại còn yếu hơn khi dòng vốn ngoại ập vào. Khối ngoại sẽ điều khiển cuộc chơi, những tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ chẳng khác gì những con hổ giấy, dễ dàng bị xé nát, bán rẻ.

Một khi các doanh nghiệp nhà nước mạnh lên theo như cách đã đề cập ở trên, tự nó sẽ tạo ra một động lực giải tư lành mạnh đặt trên lợi ích của quốc gia hài hòa với tất cả các thành phần kinh tế. Động lực như vậy sẽ hoàn toàn khác với những kiểu động lực của cổ phần hóa hiện nay. Khách hàng – những doanh nghiệp tư nhân đương nhiên là muốn được sở hữu một phần các nhà cung cấp chủ lực của mình, ngược lại thì các nhà cung cấp này cũng muốn khách hàng của mình trở thành cổ đông. Điều này sẽ tạo ra những cấu trúc cổ đông hiệu quả, chặt chẽ nên càng gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Sẽ thực sự tai hại nếu nghĩ rằng chỉ có cách bán rẻ cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược (được hiểu là nước ngoài) thì mới có thể làm cho doanh nghiệp nhà nước mạnh lên.

Chính trị và xã hội

Nếu không chấp nhận thay đổi và thay đổi nhanh chóng từ nay đến cuối năm 2009 thì chắc chắn rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ lệ thuộc mạnh mẽ vào nước ngoài khi những cam kết mở cửa sâu rộng với quốc tế có hiệu lực. Hãy nhìn vào nhiều nước ở châu Mỹ La tinh mà xem, nước ngoài sở hữu và chi phối hầu hết nền kinh tế. Những nơi đó có rất nhiều những tập đoàn khổng lồ nhưng chẳng thấy hoạt động hay tiếng tăm gì ở ngoài nước. Chúng xây rào để tập trung khai thác tối đa thị trường nội địa với giá cắt cổ. Những kết nối với thị trường quốc tế của chúng nếu có cũng chỉ là gia công nhờ lao động rẻ, xuất khẩu nguyên liệu, khoáng sản, nông sản nhờ lợi thế thiên nhiên. Chúng bóp chết cạnh tranh để liên kết thỏa thuận với nhau kiểm soát thị trường, bóng dáng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có. Vì thế mà thành phần trung lưu cũng chẳng tồn tại. Một nền kinh tế như thế thì có khác gì với kiểu của các nước thuộc địa thời thực dân.

Ở những nước này, người ta sẽ dễ choáng ngợp với những đô thị nguy nga tráng lệ nhưng những người buôn bán nhỏ lẻ bị cấm đoán ở đó. Xã hội phân chia ra hai thành phần ở hai thái cực, tầng lớp thượng lưu chỉ dưới 1% dân số nhưng sở hữu đến hơn 50%-60% lượng của cải của toàn xã hội, kiểm soát đến 80%-90% cả nền kinh tế, 99% thành phần bình dân nghèo chia nhau phần còn lại. Ở bất kỳ đất nước phát triển nào, thành phần trung lưu luôn là lực lượng và động lực để dẫn dắt sự tiến bộ của toàn xã hội. Giáo sư Joseph E. Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 viết: “Tầng lớp trung lưu là tầng lớp có truyền thống ủng hộ sự cai trị bằng luật pháp, ủng hộ giáo dục phổ thông cho mọi người và ủng hộ tạo lập hệ thống an sinh xã hội. Đây là những yếu tố cơ bản cho một nền kinh tế lành mạnh và sự xói mòn của tầng lớp trung lưu đã đồng thời kéo theo sự giảm sút ủng hộ những cải cách quan trọng này... Trong lịch sử, tầng lớp trung lưu luôn là trung tâm trong xây dựng xã hội dựa trên những nguyên tắc luật pháp và giá trị dân chủ”.[10] Chính vì vậy mà tầng lớp thống trị ở những nước này không muốn tồn tại thành phần trung lưu. Không có thành phần này dẫn dắt nên lá phiếu đa số của thành phần bình dân nghèo rất dễ bị lợi dụng và thao túng.

Ở Peru vào năm 1990 người dân nước đó đã bầu một người Nhật, với khuôn mặt Nhật, cái tên cũng Nhật – Fujimori - lên làm tổng thống trong 10 năm liền. Sau một vài chương trình mị dân đầu nhiệm kỳ, Fujimori bắt đầu thực hiện những chính sách hạn chế cạnh tranh làm lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Nhật. Kinh tế Peru có thời tăng trưởng rất cao nhưng phân hóa xã hội và giàu nghèo lại càng trầm trọng. Cuối cùng ông ta bị hạ bệ trong lúc đang công du ở Nhật. Sau đó người dân phát hiện ra tổng thống của mình đã khai man là sinh trưởng ở Peru, thực chất là sinh ra ở Nhật, gần trưởng thành mới tới Peru.

Văn hóa và bản sắc

Một nền kinh tế bị bóp chết cạnh tranh không chỉ tạo ra các vấn đề về kinh tế. Ở một môi trường cạnh tranh quyết liệt thì cạnh tranh cao nhất cuối cùng là cạnh tranh con người, cạnh tranh chất xám. Chỉ khi đó con người mới thực sự được tôn trọng. Xem xét tác động của việc này ở khía cạnh văn hóa và bản sắc sẽ thấy nó ảnh hưởng quan trọng như thế nào. Một doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn tại một địa phương nào đó. Nếu buộc phải cạnh tranh thì họ phải có những chính sách nâng đỡ tài lực, thể lực và trí lực của người lao động địa phương. Muốn vậy họ phải xây dựng những chính sách quản trị phù hợp với văn hóa địa phương để ưu đãi và thu hút nhân tài về cho họ. Kết quả là chính lực lượng lao động này sẽ tăng cường tính văn hóa địa phương kết hợp sự giao thoa với văn hóa du nhập từ doanh nghiệp nước ngoài để tạo nên những thành tựu văn hóa mới của địa phương đó mà không mất đi bản sắc. Tiến đến là làm giàu văn hóa đó đến mức có thể lan tỏa ra những khu vực khác, cộng đồng khác.

Nhưng nếu ngược lại, ở một môi trường cạnh tranh không phải là sống còn và tại đó thu hút đầu tư nước ngoài là nhờ nguồn lao động rẻ. Lực lượng lao động đó không đủ mạnh về tri thức và năng lực, hay chỉ là những lao động giản đơn thì thường phải tranh giành để làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp này không việc gì phải nương theo văn hóa địa phương để xây dựng các chính sách quản trị phù hợp mà ngược lại người lao động địa phương đó phải thỏa mãn ông chủ nước ngoài, hành xử hoàn toàn theo văn hóa của họ. Kết quả là lực lượng lao động địa phương sẽ đánh mất đi bản sắc văn hoá của mình và để văn hóa ngoại du nhập lấn át. Còn nhiều những quan hệ giao tiếp văn hóa ở nhiều lĩnh vực và cộng đồng khác nhau nhưng chắc chắn rằng trong thế giới ngày nay văn hóa chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi các sản phẩm, dịch vụ và phương thức quản trị của các doanh nghiệp.

Hoàng yến và diều hâu

Những đồng đô-la ngoại luôn có sức ảnh hưởng lớn, làm chuyển biến sâu sắc và tác động khốc liệt một cách toàn diện đến tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội lẫn chính trị của những nơi mà nó đi đến. Dù vậy kết quả của những tác động này sẽ thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào thái độ phản ứng và sức mạnh của nội lực. Những mong tầng lớp trí thức, tầng lớp trung lưu của đất nước hãy thực sự quan tâm, nghiên cứu và lên tiếng cảnh bảo cần thiết cho cả xã hội. Có nhiều định nghĩa về trí thức, nhưng thật đơn giản: trí thức là dùng trí tuệ của mình để thức xã hội; thức là thức tỉnh, là đánh thức người ngủ mê, là làm cho người khác nhận thức đúng. Người có học mà không làm được chữ thức thì không thể gọi là trí thức, lại còn để bị ru ngủ nữa thì thật nguy hiểm cho xã hội. Xã hội Việt Nam ta bây giờ không ngủ nhưng vẫn mê.

Những tiếng nói đại diện cho ngoại lực ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh hơn trong xã hội Việt Nam. Lý thuyết dùng lãi suất cao để chống lạm phát ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20 bởi nhà kinh tế học nổi tiếng Irving Fisher, nhưng các nước phát triển ngày nay chưa bao giờ áp dụng nó mãi cho đến những năm cuối thập kỷ 1970. Đơn giản vì nó chưa phù hợp với tình trạng lúc đó của họ. Ấy vậy mà phương thức này lại được quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) áp đặt cho rất nhiều nước cần sự trợ giúp, bất chấp sự thất bại rõ ràng của những nơi đã dùng trước đó. Giáo sư Joseph E. Stiglitz, cựu phó chủ tịch ngân hàng Thế giới (World Bank), đã từng lên tiếng phản đối quyết liệt phương thức này vì ông thấy rõ những hậu quả của nó gây ra cho các nước đang phát triển. Sau nhiều lần thuyết phục ông giữ im lặng không được, World Bank đã sa thải ông vào đầu năm 2000. Việt Nam chưa cầu viện chính thức tới sự trợ giúp của IMF nhưng phương thuốc này đã đang được đưa vào áp dụng ở Việt Nam quá dễ dàng. Nó được rao giảng rất nhiều bởi các chuyên gia nước ngoài với sự ủng hộ tuyên truyền mạnh mẽ của nhiều tờ báo lớn. Kinh tế học không phải là kỹ thuật – công nghệ mà có thể đi tắt đón đầu.

Nếu chúng ta không lên tiếng, không làm gì thì những sự ảnh hưởng như vậy không chỉ dừng lại ở một phương thuốc. Danh nhân Cao Bá Quát đã từng chia trí thức thành ba loại, ứng với ba loài chim. Loại thứ nhất là hồng hạc bay giữa trời xanh. Loại thứ hai là hạc đen ẩn bên sườn núi. Loại thứ ba là hoàng yến luẩn quẩn ở chốn lâu đài của kẻ quyền quý. Ngày nay, những con chim hoàng yến không chỉ biết hót vui tai mà còn biết đồng thanh gầm gừ lại những tiếng lạ trái tai chủ. Nhưng có lẽ chính Cao Bá Quát cũng không thể ngờ rằng bây giờ nhưng con diều hâu cũng biết hót rất ngọt tai con mồi.

Gốc dân hay gốc ngoại

Vào những lúc khó khăn thế này, triết lý lấy dân làm gốc luôn đúng và càng có ý nghĩa. Chúng ta vẫn thường nghe tuyên truyền như vậy nhưng diễn biến thực tế lại không hoàn toàn đúng thế. Trong một lần trả lời thời báo Kinh tế Việt Nam vào ngày 12-06-2008 về việc làm sao để củng cố lòng tin của người dân vào chính sách tiền tệ, thống đốc ngân hàng Nhà nước trả lời bằng cách nói rằng nó được đánh giá cao bởi đại diện tập đoàn JP Morgan Chase và phó chủ tịch ngân hàng Thế giới. Hay như mới đây, một doanh nhân nổi tiếng trong nước trả lời thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 03-08-2008, tờ báo này ngạc nhiên đặt câu hỏi về cơ sở cho khả năng nộp ngân sách 4,5 tỷ đô-la Mỹ/năm trên mức doanh thu 6,5 tỷ đô-la Mỹ/năm có thể tạo ra của một dự án liên doanh với nước ngoài là trung tâm phần mềm Thủ Thiêm. Vị doanh nhân này toàn mượn lời và uy của đối tác nước ngoài làm câu trả lời của mình.

Cách thức ứng xử như thế đã trở nên phổ biến ở rất nhiều thành phần trong xã hội. Tai hại hơn là nó không chỉ tạo ra một tâm lý sính ngoại mà còn định hình một niềm tin rằng có ngoại lực sẽ làm mọi thứ trở nên tốt đẹp. Sự tập kích của dòng vốn ngoại vào Việt Nam được quảng bá rộng khắp để người dân tin rằng các chính sách vĩ mô của chính phủ vẫn đúng đắn nên thu hút được người ngoài vào làm ăn, chứng tỏ môi trường Việt Nam đầy hấp dẫn và thuận lợi, khó khăn là tạm thời. Sức chịu đựng của dân được đánh giá quá cao nhưng lòng tự trọng của họ lại bị đánh giá quá thấp.

Nếu thực hiện các biện pháp chống lạm phát và khắc phục tình hình khó khăn hiện nay dựa trên nguyên tắc lấy dân làm gốc thì chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt đẹp và nhanh chóng. Lạm phát sẽ giảm nhanh, có thể xuống dưới 10% vào năm sau. Ngược lại duy trì các giải pháp và chính sách vĩ mô như hiện nay thì lạm phát không thể dưới 35% vào cuối năm và khó có thể giảm trong năm sau. Lúc đó sức mạnh của những đồng đô-la ngoại sẽ càng lớn. Họ sẽ gây sức ép phá giá tiền đồng để giá trị tiền đô đủ bù đắp cho mức lạm phát khi giải ngân vốn đầu tư. Khi đã mất lòng dân, chính phủ lấy gì để chống đỡ ngoài việc chấp nhận “trả tỷ giá về giá trị thực”. Không dưới 22.000 VND/USD. Ở mức này, tỷ trọng GDP của thành phần kinh tế nước ngoài sẽ còn lớn con số 53% đã tính toán ở mức giả định lạc quan nhiều.

Các nhà cầm quân giỏi là những người xác định được những điểm nhắm chiến lược để tập trung quân lực vào đó. Chiếm được những điểm này sẽ khống chế được cục diện của cuộc chiến. Trong quản lý kinh tế xã hội cũng vậy. Với Việt Nam hiện nay, điểm nhắm chiến lược chính là tệ quan liêu tham nhũng.

“Hiểu lòng dân, hậu dân sinh để dụng sức dân” là điều mà những người gánh vác việc lớn cần phải biết.

Trần Đông Chấn

Đầu Thu, tháng 8, 2008.

Chú dẫn:

[8] Đảm bảo sự cạnh tranh đồng nghĩa với việc chống lại những hành động bóp chết cạnh tranh.

[9] Theo Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009: “Qua 6 tháng thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng phương tiện thanh toán (M2) trong nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2008 chỉ tăng 4,48% so với cuối năm 2007, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước 24,62%) và tăng 24,06% so với cùng kỳ năm trước. Tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tháng 6 giảm 7,13% so với tháng 12/2007 và giảm 17,46% so với cùng kỳ năm trước”.

[10] Trang 117 & 215 Sách Toàn cầu hóa và những mặt trái – Nhà xuất bản Trẻ – 04/2008.


Không có nhận xét nào: