Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Peter Chánh Tran - Chừng nào dân Mỹ bị cấm xài súng?

CHỪNG NÀO DÂN MỸ BỊ CẤM XÀI SÚNG?
Trước khi nhập đề, để tôi viết đôi điều ngoài đề một chút.
Tôi có cái tật dong dài. Bệnh dễ chữa. Tật khó chừa lắm!
Viết dài mới lột hết tâm ý, tránh cho người đọc hiểu lầm “gà hoá vịt”. Viết một bài ngắn ngủn, vài câu, chấm hết, nó khô như cốm dẹp thiếu nước cốt dừa, nuốt trẹo bản họng! Viết kiểu đó, giống như anh khờ đi cua gái: ngồi bên người đẹp cả buổi trời, chỉ nghĩ ra được có mỗi một câu “Hôm nay trời đẹp quá”. Mười lăm phút sau, rặn thêm được một câu nữa: “Trời nhiều mây quá!” Con ghệ ngồi chờ hoài hỏng thấy động tĩnh gì, tưởng tay hắn bị liệt, miệng hắn bị câm, hay là hắn chưa nói rành tiếng Việt, bèn phán cho một câu: “Thôi em về!” Vậy là xong game! Hẹn kiếp sau! Một buổi hẹn hò khô khan, vô duyên, lãng nhách! Ai thích đọc?
Tuy nhiên, viết dài cũng có cái bất lợi:
Thứ nhứt, gặp người làm biếng, sẽ không thèm đọc, thì uổng công mình ngồi gõ hằng giờ, bằng “nhứt dương chỉ”! Kệ đi! Chín người mười ý, ai hỏng thích kiểu dong dài, cà kê dê ngỗng của tui, thì cứ tự nhiên “nhấn nút biến”, chả ai phiền hà ai cả, đúng không? Thời a còng, có biết bao nhiêu chọn lựa. Cứ lựa món nào hạp khẩu vị mình.
Thứ hai, gặp những người “tay nhanh hơn não”, mới đọc một đoạn, chưa biết mình viết cái giống gì tiếp theo, chưa đọc đến cái kết luận coi nó ra sao, thì họ đã “nhảy đong đỏng như nước nóng đổ trong quần” (nói kiểu miền Tây của tui), rồi phán loạn xà ngầu, như thánh. Hơn 20 năm lớn lên ở miền Tây, thật sự tui chưa từng thấy ai bị nước nóng đổ trong quần, và lỡ có đổ thì nhảy kiểu gì. Chỉ nghe má tui luôn nói vậy, khi gặp người có cái nết đong đỏng, như “khỉ mắc phong”! Cũng chỉ nghe bà già nói, chớ cũng chưa thấy khỉ mắc phong nhảy ra làm sao! Dùng hình ảnh này để định nghĩa cái thứ khác thiệt là khó! Thôi cứ hiểu đại khái: Đó là những người nóng tính, tươm tướp, nhảy dựng, hấp tấp,… (không muốn dùng chữ hồ đồ ở đây).
Bài viết “Súng đạn ở Mỹ” #sungdan1 tôi viết lần trước, tới giờ này, đếm được chừng 10 người nhảy dựng ngược như vậy. Tôi chưa hề cổ võ chuyện mua súng máy (để giết người hàng loạt). Tôi chưa hề khuyến khích VN có quyền xài súng, ngược lại còn cảnh cáo. Tôi chỉ kể chuyện tôi có súng ngắn phòng thân, khi bọn du đãng người Việt lộng hành, những năm đầu thập niên 90, chớ cũng không nói nước Mỹ lúc nào cũng loạn cào cào như vậy. Vậy mà người ta nhứt định qui chụp! Tôi không thèm cãi với họ chi cho mệt, vì có đáng cãi không? Hơn nữa, chín người mười ý, làm sao có thể được 100% người đồng ý với mình? Có bao nhiêu người đọc, không rõ, nhưng có hơn 3000 người ấn like, gần 2000 người ấn share, cho một bài viết, thì mươi người nhảy dựng, có lẽ không đáng bận tâm. Tôi viết tiếp, vì mấy ngàn người bạn tâm đắc đó, chớ không vì mười mấy người kia mà nản, rồi ngừng viết.
Bài này cũng vậy, tui cũng dong dài. Năn nỉ quí vị: Làm ơn đọc hết, đọc kỹ, hiểu ý tui muốn viết cái gì, rồi hãy hạ bút phê bình, góp ý. Đa tạ.
Tui cũng chỉ viết chơi, chớ chẳng phải là một bài sưu khảo chi cả. Ai siêng thì đọc chơi. Thích thì ấn like chơi, khuyến khích người viết. Không thích cứ tự nhiên xách đít đi la cà làng trên xóm dưới, kiếm chỗ nào khác dzui hơn cho mình, đồng thời cũng dzui cho chủ nhà, và cho khách của tui nữa. Nói huỵch tẹc kiểu nhà quê như vậy, có ai phiền không? Thôi, thà “mất lòng trước đặng lòng sau”, vậy nghen.
I. CHỪNG NÀO DÂN MỸ BỊ CẤM XÀI SÚNG?
Chuyện súng đạn ở Mỹ cứ ì xèo. Người dân chia hai phe: phe ủng hộ quyền có súng hết mình, phe kia chống đối quyết liệt. Đảng Cộng Hoà (CH) ủng hộ và cương quyết bảo vệ Tu Chánh Án số 2, quyền trang bị vũ khí, nói ngắn gọn quyền mang súng. Dân Chủ (DC) chống đối, đòi giới hạn, đòi cải cách, đòi thay đổi Hiến Pháp. Hai đảng cãi vã, chửi nhau như chó với mèo. Dân cũng chửi nhau ỏm tỏi. Cãi dai dẳng, chửi nhau lâu dài. Vậy thì chừng nào sẽ thay đổi Hiến Pháp? Chừng nào dân Mỹ mới bị “tước vũ khí”?
Câu trả lời nhanh không cần suy nghĩ: Còn khuya! It’s impossible!
Đúng vậy. Muốn thay đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ, thay đổi Tu Chính án số 2, quyền mang súng, phải vượt được 3 ải sau đây: Phải được 2/3 Dân Biểu (DB) của Hạ Viện bỏ phiếu thuận, và 2/3 Thượng Nghị Sĩ (TNS) của Thượng Viện cũng bỏ phiếu thuận, và 3/4 Tiểu Bang (TB) đồng ý. Người đọc ráng nhớ những chữ viết tắt trong ngoặc, cho tôi viết đỡ mệt!
1. Hạ Viện:
Ải đầu tiên có thể qua lọt tương đối dễ. Hạ Viện Hoa Kỳ có 435 DB. Số DB của mỗi TB tuỳ theo dân số của của bang đó. Thí dụ, California là TB đông dân nhất, hơn 38 triệu, nên số DB cũng nhiều nhất, 53 vị. Một TB nhỏ hột tiêu như Wyoming, dân số chỉ có 560 ngàn người, cỡ phân nửa dân số của thành phố San Jose, California, cho nên chỉ có một ghế DB duy nhất trong Hạ Viện. Còn nhiều TB chỉ có một DB duy nhất trong Hạ Viện, như Alaska, Delaware, Montana, North Dakota, South Dakota, Vermont.
Nếu dùng biển người áp đảo, thì chỉ cần 17 TB có dân số khổng lồ, dẫn đầu là California, Texas, Florida, New York, Illinois,...thì sẽ có được 2/3 số phiếu DB, tương đối dễ dàng. Ải này không khó lắm.
2. Thượng Viện.
Ải thứ hai khó nuốt trôi! Mỗi TB bất kể lớn nhỏ, dân đông hay ít, đều chỉ có hai ghế Thượng Nghị Sĩ. Trong số 100 TNS, phải cần có 67 TNS đồng ý, thì mới sửa Hiến Pháp được. Nói cách khác, chỉ cần 1/3, tức 34 TNS lắc đầu, thì đừng hòng có ai mơ tới chuyện sửa đổi chi cho mệt.
Con số 34 chống, gần như lúc nào cũng có dư trong Thượng Viện!
3. Ba phần tư Tiểu Bang đồng ý.
Ải này vô phương qua! Tại sao? Ba phần tư đồng ý, hay một phần tư chống đối, cùng nghĩa! Nói 1/4 chống đối cho dễ hiểu: tức chỉ cần 13/50 Tiểu Bang chống thay đổi Hiến Pháp, thì coi như mộng nào cũng vỡ tan tành theo mây khói! Sau khi “lo” được 2/3 DB và 2/3 TNS gật đầu, tới màn chót là đưa cho các TB, để dân bầu. Hiện có 18 TB khuynh hữu, đảng CH, thuộc miền Tây và miền Nam, luôn luôn ủng hộ quyền mang súng. Họ chống lại những Tiểu Bang lớn, cánh tả, theo đảng DC, như California, New York,... là những TB muốn huỷ bỏ quyền có súng. Vậy thì cách gì mà đụng tới Tu Chánh Án số 2?
Nói nó impossible có lẽ không phải là quá cường điệu.
II. TẠI SAO HIẾN PHÁP MỸ GẦN NHƯ “BẤT KHẢ XÂM PHẠM”?
Mỹ có đủ mọi thành phần và nguồn gốc chủng tộc. Gọi nước Mỹ là Hiệp Chủng Quốc, không sai, nhưng chưa đủ. Nó còn là một Liên Bang, gồm 50 Tiểu Bang lớn nhỏ. Cho nên Hiến Pháp do những vị “khai quốc công thần” lập ra, họ đã nghĩ tới chuyện: phải làm sao để dung hoà quyền lợi chủng tộc, và đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của từng Tiểu Bang, để tránh cho Liên Bang sụp đổ. Dân đồng lòng là sức mạnh. Các TB đoàn kết, là sức mạnh. Mỹ mạnh nhờ vậy.
Dân Biểu đại diện trực tiếp cho người dân, là tiếng nói của người dân ở từng khu vực. Thượng Nghị Sĩ vừa đại diện dân, vừa đại diện Tiểu Bang, để tranh đấu cho tiếng nói và quyền lợi của TB mình. Nó giúp cân bằng quyền lực cho tất cả mọi Tiểu Bang, không phân biệt lớn nhỏ, đông dân hay ít dân. Không có chuyện Tiểu Bang lớn hiếp Tiểu Bang nhỏ, lấy thịt đè người.
Có nhiều người thắc mắc, thậm chí chê bai hệ thống bầu cử của Mỹ. Để tôi mở ngoặc nói một chút về bầu cử Mỹ. Bầu cử ở Mỹ cũng nằm trong ý niệm dung hoà chủng tộc và cân bằng quyền lực Liên Bang. Phổ thông đầu phiếu chỉ nói lên tính chất “đa số thắng thiểu số” ở mỗi TB mà thôi. Nên nhớ, chỉ ở mỗi TB, chớ không phải toàn quốc. Còn Đại Cử Tri Đoàn là tiếng nói của từng Tiểu Bang, đại diện cho Tiểu Bang để bầu Tổng Thống. Thí dụ: Bà Hillary thắng đa số phổ thông đầu phiếu ở Cali, thì bà ôm trọn 55 phiếu Đại Cử Tri Đoàn dành cho Dân Chủ, và gần như trăm phần trăm Đại Cử Tri đoàn này sẽ thay mặt TB Cali để bầu cho bà.
Nếu chỉ dùng phổ thông đầu phiếu toàn quốc, thì ứng cử viên Tổng Thống chỉ cần vận động lấy phiếu ở những TB lớn, đông dân, như California, Texas, Florida, New York, Illinois, Ohio, Georgia, North Carolina, Michigan,... là đủ lên ngôi Tổng Thống. Như vậy, Tổng Thống đó chỉ là TT của những TB lớn, chớ không phải của những TB nhỏ bị lép vế, không phải của Liên Bang! TT Mỹ còn phải được bầu chọn vòng hai, bởi 50 TB do các Đại Cử Tri Đoàn đại diện từng TB bầu. Kỳ bầu cử vừa rồi, ông Trump được hơn 30 TB bầu, trong khi bà Clinton chưa được 20 TB ủng hộ, dù số phiếu phổ thông của bà cao hơn 2.9 triệu phiếu. Lý do là dân California bầu cho bà đến 61.5%, và chỉ có 31.5% cho ông Trump. Chỉ riêng ở Cali, bà ta có số phiếu cao hơn ông Trump đến 4,269,978 phiếu. Nói cách khác, dân Cali và một vài TB khác mê bà ta, còn đa số các TB còn lại thì kết ông Trump. Thua là vậy đó.
Có người sẽ hỏi: Vậy tại sao bầu phổ thông đầu phiếu chi cho mệt? Xin trả lời: Nếu không bầu phổ thông thì làm sao biết ý dân của từng TB. Thí dụ, California là TB của Dân Chủ. Bầu cho bà Hillary 61.5%, còn ông Trump chỉ 31.5%. Nói dễ hiểu, Cali là Tiểu Bang của đảng DC, và 55 phiếu Đại Cử Tri Đoàn đương nhiên thuộc về DC, và những Cử Tri Đoàn này cũng gần như đương nhiên sẽ bầu cho bà Clinton. Đứng trên phương diện phổ thông đầu phiếu, đa số thắng thiểu số, thì bà ta thắng áp đảo ở Cali, nhưng đứng trên phương diện Liên Bang, thì Cali chỉ là 1/50, là một thành viên Liên Bang, như Wyoming, không hơn không kém.
Chuyện thay đổi thể thức bầu cử, tức thay đổi Hiến Pháp, nó cũng khó như lên trời. Những vị lập quốc đã tiên liệu trước, để Liên Bang là một khối thống nhất, nên mới lập ra một Hiến Pháp như vậy. Đúng là những bộ óc siêu nhân, hiểu rộng, thấy rất xa, chớ không phải “cù lần” như một số người phê bình đâu! Nếu một ngày nào đó, Hiến Pháp này không còn hữu hiệu, thì mới có chuyện thay đổi. So far so good.
III. TẠI SAO HIẾN PHÁP MỸ CHO PHÉP XÀI SÚNG?
Có nhiều lý do:
* Thứ nhất, chính quyền Liên Bang lúc đó không đủ sức đánh quân Anh, nên phải nhờ dân quân ở từng TB hỗ trợ.
* Thứ hai, các TB muốn người dân của mình có quyền mang súng. Như vậy quyền tự trị của TB mới được bảo đảm, tránh độc tài, hay bị Liên Bang đàn áp. Chính quyền Liên Bang phải hết sức tôn trọng các TB, vì trong tay họ có súng. Ép họ, đàn áp họ, thì bất cứ chế độ độc tài nào cũng bị người dân đứng lên tiêu diệt.
* Thứ ba, thời lập quốc, chính quyền còn non yếu, người dân phải võ trang để tự vệ. Cướp vào làng, tin bay được đến đồn cảnh sát, thì cả làng đã bị chúng thịt hết rồi. Thời đó cỡi ngựa chạy đường mòn, xài nước giếng, chớ đâu có xe hơi và xài Iphone: chỉ cần nhấn 911 thì trong vài phút xe cảnh sát hú còi đậu ngay cửa.
IV. HIẾN PHÁP KHÓ THAY ĐỔI, VẬY CÓ CÁCH NÀO NGĂN NGỪA NẠN CHẾT NGƯỜI VÌ SÚNG?
Theo cái nhìn của tôi, còn có nhiều giải pháp khác:
1. Mỗi TB có thể làm luật riêng cho mình. TB không thể huỷ bỏ quyền mang súng trong Hiến Pháp (Tu Chánh Án số 2), nhưng họ có quyền viết ra luật để giới hạn quyền sử dụng súng. TB có ngành Lập Pháp riêng, tương tự như Liên Bang, gồm Hạ Viện và Thượng Viện. Thí dụ: California sau những vụ xả súng giết người hàng loạt, họ đã cấm bán, tồn trữ súng trường tự động, súng máy, như AK-47, AR-16,... từ rất nhiều năm rồi. Trong khi đó có những TB thả lỏng, như Nevada, không những không cấm, còn cho phép mua súng không cần license, không cần đăng ký với chính quyền luôn. Không lấy gì làm lạ, tên sát thủ Stephen Paddock ở Las Vegas (Nevada) có đến 23 cây súng máy! Tại sao Nevada lại làm vậy? Dân không chống, thì Quốc Hội Nevada và các chính khách mắc mớ gì phải viết luật thay đổi?
Tôi đồng ý hoàn toàn giải pháp cấm lưu hành súng máy của California. Nhưng tôi vẫn ủng hộ việc người dân có quyền sở hữu súng, để tự vệ như shot guns, hand guns,... “Tay không giết giặc” là chuyện hoang đường! Bọn tội phạm sẽ có trăm ngàn cách để có súng. Lúc đó người dân Mỹ chỉ là bia cho chúng bắn thôi. Người tốt nên có súng để ngăn ngừa, và khử trừ kẻ xấu cầm súng.
2. Giáo dục người dân, đồng thời ngăn chặn bọn khủng bố vào Mỹ, ngăn chặn những tư tưởng bịnh hoạn của một loại học thuyết giết người để lên thiên đàng hưởng 72 trinh nữ.
Bọn khủng bố IS vừa tuyên bố trên tuần báo Al-Naba của chúng rằng: Stephen Paddock, kẻ giết người ở Las Vegas, sáu tháng trước đây, đã cải đạo theo Hồi giáo, và được IS đặt cho tên mới là Abu Abdul Barral-Amriki. Tờ báo này viết như sau: “Người anh em Abu Adul Bar chiếm lĩnh căn phòng ở tầng thứ 32 trong một khách sạn nhìn xuống buổi biểu diễn âm nhạc, và dùng 23 cây súng máy bắn liên tục trên 2000 viên đạn, và qua đời sau đó, sau khi đã bắn hết đạn. Xin Thượng Đế nhận anh ấy.” FBI vẫn còn đang điều tra, chưa xác định chuyện này. Người ta cũng không ai biết chắc sát thủ có cải đạo, có âm thầm theo đạo, có mê chủ thuyết giết người vô tội hay không. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Hồi Giáo không thể phủ nhận.
Đối với người ác, một khi họ muốn giết người, thì cấm súng không phải là giải pháp khả thi, có thể giúp loại trừ được tai hoạ. Họ ôm bom tự sát (khắp mọi nơi). Họ dùng xe tải lủi vào đám đông (Âu Châu). Họ dùng máy bay đâm vào nhà chọc trời như thảm trạng 911. Họ dùng hóa chất, dùng bom vi trùng,... vẫn có thể giết người hàng loạt. Súng chỉ là một phương tiện trong vô số phương tiện giết người. Cấm thứ này họ dùng thứ khác.
Tưởng cũng nên nói thêm: Những người chống quyền mang súng không nghĩ vậy. Họ đổ thừa cho NRA (Hiệp Hội Súng Trường) lobby cho CH, ngăn cản những luật lệ kiểm soát súng đạn. NRA đương nhiên có xài tiền, nhưng không phải chỉ xài cho CH, mà cho cả DC. Năm 2016, họ công bố: chi gần một triệu cho khoảng 200 chính trị gia. Người nhiều nhất $11,000 USD. Những người khác chỉ hai ba ngàn đô. Đó là một con số nhỏ như hạt bụi, chẳng thể “mua” được ai, so với gần một tỷ bà Clinton quyên góp được để tranh cử!
Chỉ nghe Obama hay bà Clinton, hay bất cứ ông bà DC nào phát biểu vài câu chống súng đạn, mỗi khi xảy ra những vụ giết người hàng loạt, thì phong thánh cho họ liền! Thực tế, họ chỉ đầu môi chót lưỡi để kiếm phiếu. Không tin? Nhìn những thời kỳ đảng DC “độc bá võ lâm”, chiếm Toà Bạch Ốc, chiếm Thượng Viện, chiếm Hạ Viện, coi họ đã làm gì để thay đổi quyền có súng? Bốn năm thời TT Carter (1977-1980), hai năm thời TT Clinton (1993-1994), hai năm thời Obama (2010-2011), họ bình chân như vại, không động gì đến quyền mang súng, trong khi trong tay họ nắm quyền khuynh đảo cả chính trường Mỹ. Nói là nghề của họ.
Chỉ nghe họ nói chuyện mở cửa đón di dân lậu, kể cả người Hồi Giáo, thì tưởng họ là những kẻ nhân hậu, bác ái, thương người, quảng đại? Tôi không có dễ tin những kẻ mị dân kiếm phiếu đó dễ dàng như vậy. Coi họ chủ trương phá thai thả giàn, kể cả late abortion (đứa trẻ gần tới ngày sinh, vẫn nhẫn tâm giết, cắt từng mảnh thân thể lôi ra khỏi tử cung)! Nên nhớ, một đứa trẻ sinh ra, người mẹ quyết định không nuôi, luật Mỹ cho phép họ mang đến bất cứ bệnh viện nào để “bỏ”, mà không cần cung cấp lý lịch hay bị tra hỏi bất cứ câu gì! Hà cớ gì phải ra tay giết một đứa trẻ thơ hoàn toàn không có sức kháng cự? Chỉ có kẻ vô thần, không tin trời, không tin Phật, không tin Chúa mới ác như vậy, vì đạo nào cũng cấm giết người, cấm sát sinh. Họ nhẫn tâm giết hàng triệu trẻ thơ, thì thử hỏi, họ có thương di dân không? Họ chỉ cần phiếu của di dân thôi.
Tương tự như vậy, TT Lyndon Johnson, DC, năm 1964, khi ký điều luật cho phép người da đen được đi bầu (Civil Right Acts of 1964), đã nói một câu để đời, tiêu biểu cho Dân Chủ: “Trong vòng hai trăm năm tới, đám mọi da đen này sẽ bầu cho đảng Dân Chủ.” (I’ll have those niggers voting Democratic for 200 years.) Chữ nigger là tiếng lóng, dùng ám chỉ người da đen như dân mọi rợ. Cho phép họ được đi bầu, để họ bầu cho đảng của mình, chớ không phải vì mục đích bình đẳng, hay yêu thương gì họ. Lý do chính trị, đảng phái 100%. Kỳ thị ở đây, phải nói là đảng Dân Chủ, mà Johnson là người kỳ thị da đen rõ ràng và tiêu biểu nhất.
Tôi biết rất rõ, khi viết những điều này, những người theo dảng DC, cuồng bà Clinton, sẽ nhảy dựng. Đó là sự thật. Đừng giả vờ không biết. Hãy mở mắt, mở lòng mình ra để nhận biết ai là Nhạc Bất Quần đang núp trong Chính Nghĩa Sơn Trang để gạt người, mị dân, trục lợi!
Cũng đừng mượn cớ để chà đạp ông Trump hay đảng CH làm chi cho phí sức. Ông Trump và đảng CH chả làm gì được với Hiến Pháp như vậy.
Chỉ có người dân Mỹ, tới một lúc nào đó họ thấy rằng nên huỷ bỏ quyền mang súng, thì tự họ sẽ bầu cho những vị đại diện chống súng đạn, sẽ bầu cho phe Dân Chủ thôi. Không có chuyện gì là trường cửu hay bất biến. Coi tập đoàn tài phiệt thuốc lá. Giàu và mạnh. Nhưng khi tuyệt đại đa số dân Mỹ ý thức được tác hại của thuốc lá, thì nó vẫn bị cho ra rìa một cách cương quyết, không khoan nhượng, không thương tiếc.
Đừng ngồi đây chửi đổng ông Trump, chửi phe CH, chửi người ủng hộ quyền mang súng chi cho mệt. Cũng đừng vội phong thánh, phong thần, cho đám người “mượn gió bẻ măng”, “cơ hội chủ nghĩa”, chỉ có giỏi nói, chớ không làm gì cho những điều họ nói.
Just wait and see.
Peter Chánh Trần

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Châu Thị Huyền Nguyễn: Họ bắn - họ tồn tại

https://www.facebook.com/notes/chau-thi-huyen-nguyen/h%E1%BB%8D-b%E1%BA%AFn-h%E1%BB%8D-t%E1%BB%93n-t%E1%BA%A1i/10155749723087378/

Họ bắn, họ tồn tại
Hôm qua đọc bài viết này thấy hay quá nên nhân tiện có cảm hứng chia sẻ thêm một số thứ tui thu lượm về quyền sở hữu súng của dân Mỹ.
Đầu tiên nói qua lịch sử nước Mỹ. Tổ tiên của người Mỹ là những người từ châu Âu sang khai phá lục địa mới, ngoài số nhỏ là quý tộc, ngoài binh lính, còn những thành phần như trộm cắp, tướng cướp, đĩ điếm, nô lệ, các nobody ở châu Âu, bị ruồng bỏ nơi lục địa cổ và lên thuyền vượt biển để tìm kiếm cơ hội mới. Sau đó Mỹ trở thành thuộc địa của Anh, rồi cách mạng giải phóng dân tộc, rồi nước Mỹ giành độc lập năm 1783, rồi Hiến pháp ra đời năm 1787.
Với lịch sử bị ruồng rẫy và cai trị, dân Mỹ thường có một chút mặc cảm thấp kém khi nhìn về phía châu Âu nên thường muốn chứng tỏ với châu Âu. Những người soạn thảo Hiến pháp không chỉ mong vạch ra một đường hướng trăm năm, mà hy vọng nó sẽ là cái gì vượt trên thứ từng có ở bên kia Đại Tây Dương, mảnh đất tổ tiên họ từ bỏ. Ở nhiều quốc gia, dù bắt đầu cách mạng với những lý do hoa mỹ, dù hiến pháp nhân danh tầng lớp cần lao, cuối cùng đa phần là bình mới rượu cũ, thay một ông vua có ngai bằng một ông vua không ngai. Các Founding Fathers (tổ phụ lập quốc) của Mỹ thì lại có tham vọng để lại một thứ di sản trường tồn hơn cả họ, một thứ viết trong tâm thế nhân dân thay vì nhà cầm quyền, và mang các thiết chế thực dụng thay vì cái vỏ êm tai. Luật Mỹ chọn đi theo thông luật (common law) thay vì dân luật (civil law), với sự tồn tại của một bầu thẩm đoàn toàn dân thường, ngoài ảnh hưởng từ truyền thống thuộc khối cộng đồng Anh, còn để phản ánh tinh thần: Luật là để bảo vệ dân khỏi bị chính quyền lạm dụng luật.
Hiến pháp Mỹ
Từng là dân xứ bị trị, những vị tổ phụ hiểu là một chính quyền chỉ có thể độc tài khi nó giữ được thế “tay trên" trong đụng độ. Như thế, ngay dưới quyền tự do ngôn luận, Hiến pháp đã sinh ra tu chính án thứ hai liên quan quyền sở hữu súng.
Người Việt nghĩ về dân Mỹ cần súng để tự vệ trong các hoàn cảnh như chống đột nhập chống cướp chống trộm, và điều này cũng đúng. Song cái tự vệ lớn nhất mà các bậc lập quốc tính đến từ những năm 1787, lại là quyền tự vệ của nhân dân trước chính quyền. Không ngẫu nhiên một đất nước sở hữu nhiều súng nhất cũng là một đất nước mà dân có nhiều quyền và chính quyền thì sợ dân nhất. Và ko ngẫu nhiên một chính phủ từng ban hành luật quản lý súng rất chặt chẽ trong quá khứ cũng là cái tên quen thuộc: Đệ tam Đế chế, Đức quốc xã 1933-1945.
Cũng với tinh thần bảo vệ nhân dân để bảo toàn nền tự do, tuy luật cho dân Mỹ được sở hữu súng, cảnh sát Mỹ và quân đội Mỹ cũng được sở hữu súng, nhưng cảnh sát Mỹ thì không được quyền sở hữu khí tài quân đội và quân đội Mỹ thì bị cấm active trên đất Mỹ trừ một số hoàn cảnh đã chỉ định (link). Nói thêm ý cuối, nghĩa là quân đội chỉ được quyền hoạt động (ngoài chiến đấu, còn bao gồm cả lùng soát, đột nhập, truy đuổi, bắt bớ) bên ngoài lãnh thổ hợp chủng quốc. Năm 2001 dưới chính quyền Bush, 911 xảy ra, khi quân Mỹ trực tiếp tham gia hoạt động trên đất Mỹ nhiều người đã lên tiếng coi đây là một tiền lệ nguy hiểm vi phạm quy định này.
Mục đích những thiết chế này là gì?
Là để dân có thể cân bằng về sức mạnh vũ trang so với cảnh sát, cùng giảm thiểu ảnh hưởng của quân đội, cả 2 lực lượng mà lịch sử châu Âu lẫn thế giới đã chứng tỏ, rất chóng vánh thành tay sai cho bạo quyền khi được phép.
Quay tiếp về lịch sử, tại sao dân ủng hộ súng lại thường là Cộng hoà và miền Nam?
Sử gia cánh tả đã thành công trong việc giúp Civil War được nhớ đến như là cuộc chiến vùng miền Nam-Bắc. Quân đội giải phóng nô lệ chủ yếu ở miền Bắc và chủ nô chủ yếu ở miền Nam. Song đây ko phải đụng độ tranh giành lãnh thổ, nó là đụng độ của ý thức hệ, giữa một bên là Lincoln và những người cùng chí hướng của đảng Cộng hoà vs. phe đảng Dân chủ. Người miền Bắc song là dân Dân chủ thì vẫn muốn giữ lại chế độ nô lệ. Bản chất việc diễn dịch lại lịch sử như vậy chỉ để tẩy xoá quá khứ dính dấp kỳ thị da màu của đảng Dân chủ, điều kéo dài đến gần nửa sau thế kỷ 20, với luật cách ly trắng-đen Jim Crow lẫn hội da trắng thượng đẳng KKK đều là sản phẩm của Dân chủ. Robert Byrd, thượng nghị sĩ DC, thần tượng của Hillary Clinton, cũng có thời tham gia KKK. Ngày nay đảng DC huyên hoang trỏ ngón tay đòi đập tượng Confederate chỉ nói lên năng lực rũ bùn đứng dậy sáng loà lẫn mưu đồ tẩy xoá dấu vết. Cũng như rất nhiệt tình kích động thù hận trắng-đen, ma quỷ hoá dân da trắng, mà quên mất rằng, chế độ nô lệ được xoá bỏ chính cũng nhờ người da trắng Cộng hoà, với người đứng đầu Abraham Lincoln.

Trước Civil War, nô lệ Mỹ không được coi là công dân, bị cấm sở hữu súng. Năm 1865, Civil War kết thúc, và như những người lập quốc sau giải phóng nghĩ đến từ nay cần trang bị súng cho nhân dân, dân Cộng hoà ở miền Nam sau nội chiến cũng nghĩ từ nay phải cho nô lệ quyền cầm súng để giúp họ bảo lưu cái tự do mong manh vừa giành được, từ đó hình thành truyền thống ủng hộ sở hữu súng của đảng này và các bang miền này.
Điều trên dễ hiểu vấp phải phản đối từ đảng DC. Chế độ nô lệ bị bãi bỏ, nghĩa là người da màu phải được có quyền công dân ngang da trắng, nhưng một số bang vẫn hạn chế quyền của người da màu được sở hữu súng. Hơn 100 năm sau, dưới nỗ lưc lobby của phe Dân chủ sau cái chết của Martin Luther King và J.F. Kennedy, luật quản lý súng Gun Control Act 1968 ra đời, với sự tham gia soạn thảo của Thomas Joseph Dodd, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Luật này được cho có là có nhiều điểm chung lớn đáng ngờ với luật quản lý vũ khí của Đức quốc xã 1938, một phương tiện đã hỗ trợ hiệu quả phát xít trong việc tước vũ khí của dân Do Thái. Chính Dodd trước đó lại từng tình cờ yêu cầu Thư khố quốc gia dịch sang tiếng Anh văn bản luật 1938. Dodd và đảng DC đã nhìn thấy tiềm năng của việc áp dụng ý tưởng phát xít sau: mượn quản lý súng để ngầm kiểm soát một nhóm công dân nhất định. Trên giấy tờ là cấm súng toàn dân, nhưng thực chất khi đấm một đòn chuyên chính vào XH, tầng lớp ít được bảo vệ nhất bao giờ cũng là những người bị tổn thương đầu tiên và trầm trọng nhất. Ở Đức Quốc xã 1938 là người Do Thái, ở nước Mỹ 1968 là người da đen, còn ở Mỹ năm 2017, tình thế đã thay đổi, đọc truyền thông dòng chính là thấy sặc sụa giọng điệu miệt thị da trắng, như Clinton từng gọi họ là lũ Deplorables một cách thản nhiên. Ngày nay nhóm người xếp vào tầng lớp thấp, chịu kỳ thị, chèn ép và khinh khi bởi các thế lực dẫn dắt XH ở Mỹ lại chính là dân da trắng, đàn ông, Công giáo, có truyền thống Cộng hoà. Không có gì ngạc nhiên khi giờ đảng DC lại cũng sốt sắng lobby cho việc cấm súng, cũng với lý do nhân văn y như cách đây 50 năm, hay 150 năm.
Cuối cùng vẫn còn một lý do giúp dân Mỹ ủng hộ súng nữa, mà có người cũng đã đoán, nhưng hiểu sai, đó là về quá khứ mở đất về phía Tây (cough cough Tùng Hoàng Nguyễn).
Họ nghĩ rằng Mỹ nhợn xem phim spaghetti Western nhiều quá nên mê súng, thật ra ngược lại, dân Mỹ mê súng nên mới có phim, văn hoá cowboy cũng chẳng cần phải đến Sergio Leone hay Clint Eastwood mới tồn tại.
Rõ ràng không chỉ mình chính quyền, mà một bộ phận lớn dân Mỹ cũng đã được huy động tham gia công cuộc khai phá miền Tây. Ở những nơi rừng rậm, hoang vu, trong những hoàn cảnh thiếu thốn dễ nảy sinh đụng độ, không cánh tay nào của chính quyền đủ dài để can thiệp, luật duy nhất là vô luật, nếu dân không có súng thì chỉ kẻ mạnh thống trị, còn có súng không nghĩa sẽ tàn sát, mà mọi người lại đều hành xử biết điều hơn.
Điều này như 2 nước oánh nhau nếu bên nào còn nghĩ mình mạnh hơn và chắc thắng thì kiểu gì cũng oánh tiếp, chỉ khi 2 bên bị locked up mới bắt đầu đình chiến, bắt tay chụp ảnh ân ân ái ái như thể mến chuộng hoà bình. Nước nào đang ở thế thua mà nghĩ có thể thuyết bên thắng dừng tay bằng cách tụ tập đồng ca Imagine thì đúng là lừa. Và cái nước kia nghe thế mà cũng dừng tay thật thì lừa còn gấp đôi.
Tương tự, một cộng đồng có thể chuyển từ trạng thái lawless sang lawful ko thể nhờ thuyết giảng suông về văn minh, mà chỉ nhờ khi mọi bên đều cân bằng về quyền lực tự khắc văn minh sẽ hiện ra như nhu cầu phải có. Khi ấy các thiết chế sẽ có cơ sở niềm tin, lẫn giúp người ta đỡ tốn thời gian ve vẩy súng khè nhau mà chả ai dám nhả đạn. Rõ ràng với 2 anh mới phút trước lườm nhau toé lửa, giờ tiến lại gần bắt tay “vì tôn trọng pháp luật” nghe đỡ ngượng hơn hẳn “vì nếu ko thì 2 ta banh xác”. Nhưng bản chất bên dưới lại chính là “vì nếu ko thì 2 ta banh xác”. Hay nói như Trump: Peace through strength.
Verdict
Chết chóc là một sự kiện thương tâm. Đau đớn trước chết chóc là cảm xúc tự nhiên và đáng tôn trọng. Song đôi khi nó làm người ta không nhận ra những đau đớn lớn hơn mà lựa chọn còn lại có thể hứa hẹn, vì thảm sát thì trực tiếp, gần sát, lên trang nhất mọi báo, còn những hiểm hoạ âm thầm lại cần thời gian mới nhìn ra chân tướng. Nhưng chúng ta luôn có thể nhìn những gì từng diễn ra trong lịch sử để hiểu đúng hơn về hiện tại, cũng như để tỉnh táo lựa chọn cho tương lai. Bởi có những quyết định một khi đã chọn thì không thể vãn hồi.
Las Vegas 2017, 18 khẩu súng, 59 người chết. Nice 2016, 1 xe tải, 86 người chết. Năm 2013, ở Mỹ, chết vì tai nạn súng: 505. Vì tai nạn ngộ độc: 38851. Vì ngã: 30208. Vì do không có súng để tự vệ: không báo nào dám thống kê.
Không ai muốn phải so sánh những cái chết này với những cái chết khác. Không ai muốn phải phô trương những con số người chết như cách nhiều chính trị gia Mỹ kêu gào cấm súng đang làm. Bởi đánh vào cảm xúc bỏ qua logic vốn là trò của những kẻ lợi dụng thảm hoạ để trục lợi, không phải việc của người có lương tâm. Nhưng nếu không lôi con số ra, thì bọn bịp bợm lại được dịp khua môi múa mép và xoá nhoà đúng sai lừa dối nhân dân nhờ buôn nước mắt. Cơ bản thì, có nền độc tài nào trên mặt đất không được dựng lên từ những vỗ về nhân văn?
Dẫu là 1 hay 100, mạng người nào cũng quý giá. Ai muốn chọn chết vì có súng hay vì không có súng? Nhưng có những đau thương người ta bắt buộc phải lựa chọn, để bảo vệ con cháu khỏi những điêu linh còn thống khốc hơn. Và nếu bạn không tự lựa chọn, rồi cũng sẽ có người khác chọn hộ bạn. Mà khả năng là bạn sẽ không thích lựa chọn đó đâu.
Bởi cũng lịch sử từng cho thấy thì, tất cả những ai sẵn sàng giao nộp tự do để đổi lấy an toàn, an tâm rồi sẽ bị tước đoạt cả hai.
Forgotten men - Những con người bị lãng quên