Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007

Thần tượng suốt đời của tôi - Cha tôi


Ảnh cụ ngoại và ông nội của Mún và Đức

Cha là một người hiền lành, cương nghị và giàu tình thương. Cha tôi có nhiều nghị lực lắm, nhưng lại cũng là người rất giàu tình cảm.
Tôi xem nhiều câu truyện, và nhận thấy rằng: hầu hết anh em trong nhà đều có nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là anh em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, nguyên nhân của mâu thuẫn thì cũng rất đa dạng, đôi khi do người này được nuông chiều hơn người kia, đôi khi chỉ là con bà cả thì làm anh còn con vợ bé phải chịu thiệt...
Nhưng khi nhìn cách đối xử giữa các cô các chú trong nhà tôi thì tôi thấy một sự đoàn kết yêu thương mật thiết. Nguyên nhân cũng chính là do cha của tôi. Mọi việc cha đều đối xử rất tự nhiên bằng tình cảm tự đáy lòng mình, cha không hề có sự phân biệt giữa các cô các chú, dù là em cùng cha khác mẹ cha vẫn đối sử rất mực yêu thương, chính vì vậy các cô chú cũng học được tình thương đó của cha.
Chú của tôi là một sĩ quan quân đội, chú là em khác mẹ của cha, chú kể lại với tôi rằng: "Làng mình, hiếm có nhà nào nhiều chữ như nhà ta, tất cả cũng là nhờ cha của cháu. Chính tấm gương vượt khó vươn lên quyết tâm vào đại học của cha cháu đã giúp cho tất cả các cô, các chú phía sau noi theo."
Chú cũng nói rằng: "Cha cháu cũng là một người anh cả tuyệt vời trong việc đoàn kết mọi người trong nhà". Rồi chú kể: Hồi trước khi chú còn chưa đi bộ đội, chú đang học năm thứ nhất trường Đại học Nông nghiệp, lúc đó cha đã đi làm kỹ sư ở vùng mỏ ngoài Cẩm phả, những năm đó đất nước vẫn còn nghèo lắm. Chú đi học ĐH mà chỉ có duy nhất một cái quần, miếng vá thì không cần phải đếm, mỗi lần muốn giặt thì phải chờ ngày nắng to lúc giữa trưa khi mọi người nghỉ trưa cả thì chú tranh thủ giặt thật nhanh rồi chạy tút lên tầng thượng của khu ký túc xá để phơi quần, sau đó quần khô lại mặc tiếp. Giọng chú bùi ngùi tiếp tục: "Lần đó cha cháu đi công tác về Hà Nội, rồi ghé qua thăm chú, thương em quá, lấy trong túi xách ra một cái quần tặng cho em, cái quần ấy cũng vá "ti vi" 7 tầng" (chắc sẽ không ai biết như thế nào gọi là vá "ti vi").
Cha không những rất yêu thương các em, mà cha còn quan tâm đến cả những người ngoài thiên hạ nữa. Có một lần cha và bác Phả đi công tác, ngày ấy cả cơ quan chỉ có một chiếc xe máy Con Thỏ của Liên Xô, ai đi công tác thì dùng. Khi đi qua phà Bãi Cháy, đúng lúc phà cập bến, thì máy bay Mỹ từ ngoài biển ập đến, chuông báo động vang lên, mọi người đổ xô chạy vào hầm trú ẩn. Cha đang đẩy chiếc xe ì ạch lên dốc phà, máy bay bổ nhào ném bom, mọi người chết cả chỉ còn cha đang kẹt với chiếc xe máy và một bác thợ máy chậm chân chui lên từ dưới hầm máy của ca-nô đẩy phà, những ai vào hầm trú ấn đều chết cả, bom không nhằm đánh vào phà, cũng không đánh xuống bến phà, bom áp lực đánh trúng cửa hầm, mọi người chết vì sức ép, áo của cha cũng bị đứt hết cúc vì sức ép của bom. Sau khi máy bay đi xa rồi, cha và bác thợ máy chạy đến hầm trú ẩn để cứu mọi người ra, lúc này cửa hầm bị nút kín bởi xác người, cha và bác thợ phải kéo từng cái xác ra. Do sức ép, nên hầu như quần áo của họ đều bị bay hết, tóc và lông cũng bị nhổ trụi, da thịt bầm tím các lỗ chân lông máu tươi dịn ra. Khi cha khiêng được xác của bác Phả ra ngoài cửa hang thì trên người bác không còn mảnh vải che thân, thương bác làm ma mà không có áo quần, cha đã cởi chiếc áo duy nhất trên mình ra để mặc cho bác. Từ đó hai anh chị là con của bác Phả coi cha như chú ruột, và cha cũng thương các anh chị ấy lắm.


"Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không em? Để gió cuốn đi... TRỊNH CÔNG SƠN"
Tình cha ấm áp tựa vầng Dương
Ủ ấm đàn con bao đêm trường
Một mình cha vượt bao băng giá
Chăm sóc đàn con với tình thương
Nay bóng cha già mờ khuất núi
Để lại cho con bao vấn vương
Ơn cha con nguyện luôn phấn đấu
Tiếp bước chân cha mọi nẻo đường

Không có nhận xét nào: