Thứ Hai, 12 tháng 8, 2024

Tống Thành Nguyên - Vô địch Olympic

Nhìn vào chuyện thi đấu thể thao và mong muốn có một cái Huy chương Olimpic để lấy cớ tự hào dân tộc thì có thể thấy rõ cái tâm lý “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Tức là không muốn làm gì cả mà muốn có ăn, thậm chí là ăn ké, tự hào ké với thành tích của người khác. Đó là tâm lý của những kẻ đớn hèn, bạc nhược, hô hào nhau để “tự sướng”. Rồi khi không có được huy chương thì lại quay ra “Nhiều VĐV kêu Huy chương Olimpic Paris như hàng mã”. Nó không chỉ là bạc nhược, đớn hèn mà còn trở thành tiểu nhân, vô liêm sỷ mất rồi.


Điều này không đơn giản chỉ là trong tư duy hàng ngày, mà nếu ngấm sâu vào não trạng số đông thì nó có thể biến cả 1 dân tộc trở nên lạc lối, giống như kiểu văn minh không cần tủ lạnh vậy. Nói cho nhanh là khi ta không thể tự hào là người văn minh thì ta quay ra chê bai cái văn minh ấy, đối đầu với cái văn minh ấy để “chứng tỏ mình”. Khi biết ta không thể đạt tới trình độ của họ thì ta quay ra mò mẫm một cái lý thuyết đối đầu với họ, tự cô lập mình và thỏa mãn bằng “tự sướng”. Rồi tìm mọi lí lẽ dù sống sượng nhất để chứng minh tự sướng hay hơn nhiều so với sướng có đôi.  Mà ai cũng có thể thấy là chỉ những kẻ bất tài hoặc xấu xí không tìm được đôi mới chấp nhận tự sướng cả đời và tung hô cái lí lẽ ấy mà thôi.


Quay lại chuyện thể thao. Làm sao có được thân thể khỏe mạnh, trí não thông tuệ với một dân tộc mà 99% ra đường vài trăm mét đã nhảy lên xe máy, không chịu vận động? Cả một dân tộc như tàn tật ngồi “xe lăn máy”, không chịu tự đi bằng đôi chân mình mà đòi có Huy chương? Đến đi nhậu cũng xe máy cho nhanh? Nhanh để làm gì? Để uống thêm được 1-2 cốc hay sao? Thay đổi cái này đòi hỏi không chỉ giáo dục hay bắt ép người ta phải rời cái xe máy ra, mà còn phải là tầm nhìn vĩ mô về văn hóa, về giống nòi, về hạ tầng giao thông… một cách đồng bộ. Điều này đòi hỏi một lớp lãnh đạo có văn hóa, có tầm nhìn, có tri thức chứ không phải cứ giản dị thanh bạch nhưng tri thức tầm giáo làng mà có được.


Ví dụ chuyện đi xe máy mình đã nói từ ¼ thế kỷ trước là phải bỏ mà đầu tư vào giao thông công cộng. Nếu không nó sẽ gây ra hệ lụy nhà phân lô bán nền, nhà mặt phố… Thử hỏi nếu dân ta đi phương tiện công cộng hoặc đi bộ hay ô tô cá nhân thì những loại nhà kia bán cho ai mà đắt? Ai sẽ mua những căn nhà mà ô tô không vào được (trong ngõ ngách) để mà có thể chết cháy? Ai sẽ cần nhà mặt tiền khi không có chỗ đỗ ô tô, buôn bán gì được, ở thì bất tiện? Những nhà quy hoạch sẽ phải nghĩ khác, làm khác để cuộc sống người dân dễ chịu hơn chứ không phải nhồi vào não họ sự bằng lòng chấp nhận chuyện đi xe máy mưu sinh và chui rúc trong những căn nhà chật hẹp, nguy hiểm... 


Nếu có định hướng tốt, giáo dục tốt và thêm nhu cầu đòi hỏi cuộc sống văn minh làm động lực thì chúng ta cũng sẽ làm cho giá nhà giá xe hợp lý để người dân có thể tiếp cận được như ở các nước xung quanh hay trên thế giới thôi (mà có lẽ làm được lâu rồi).

Nhưng quan chức ở ta không làm thế, hoặc không nghĩ được đến thế. Mà cứ để dân tự phát cho nhàn. Bởi chính họ, những quan chức thời nay, cũng sinh ra trong xã hội này, “hưởng” giáo dục này mà không chịu mở mắt nhìn ra thế giới để học hỏi. Họ cứ đóng cửa “tự sướng” vậy thôi. Mình biết rất rất rất nhiều quan chức, công chức cả đời không đọc một cuốn sách nào (ngoài Nghị quyết thì có đọc loáng thoáng), 99% thì cho ra nước ngoài Tây nói không hiểu gì. Cứ tù mù trong một xã hội mù mờ mà hưởng “lộc”, chứ tội gì mà nghĩ? 


Họ không biết rằng, những thứ tưởng nhỏ nhặt đó dần dần sẽ làm méo mó tư duy, méo mó nền kinh tế và méo mó cả văn hóa hay thể thao. Họ phải biết rằng, muốn có Huy chương thì phải có đầu tư vào nền tảng cộng đồng. Chứ chọn vài con khá nhất trong đám gà què để đi thi đấu thì muôn kiếp cũng để cho vui thôi. Có ăn may thắng được thì cũng để làm gì? Để nói rằng tự sướng vẫn có cái hay của nó ư? Hay 1 đất nước có tỷ lệ tiến sỹ nhiều nhất thế giới để làm gì khi năng lực và tri thức của cả dân tộc thuộc hàng thấp nhất thế giới? Giáo dục trì trệ dưới đáy thế giới, không có lấy một phát minh nào đóng góp cho nhân loại thì vài con gà nòi đoạt giải này nọ trong vài cuộc thi phỏng có ích gì? Chỉ là để lên đỉnh tự sướng trong chốc lát mà thôi. 


Cho nên, cần lắm một sự mở mang dân trí (và quan trí nữa), mở mang nhận thức và rèn luyện thể chất của cả cộng đồng. Trước hết, hãy giáo dục cho người ta biết kiêu ngạo, biết tự hào về bản thân. Để mà phấn đấu cho bản thân có cái mà tự hào, chứ không phải bấu víu vào “tự hào dân tộc”. Một kiểu “thấy sang bắt quàng làm họ”: Khi anh không có gì để tự hào về bản thân thì anh bắt quàng vào họ hàng, tự hào là có họ với người sang. Rồi khi đến cả họ nhà anh cũng không có ai “sang” thì anh “quàng” cả dân tộc vào. Thêm 1 bước nữa là khi cả dân tộc không có nổi tấm huy chương thì anh quay sang tự hào Đông Nam Á. Mai mốt anh sẽ tự hào là công dân trái đất nữa là hết cửa rồi. 


Rốt cục thì ta vẫn là ta, một kẻ không chỉ là kém năng lực, kém ý chí mà còn là một kẻ vô liêm sỷ, thấy sang bắt quàng làm họ mà thôi. Bớt cái tự hào vô sỷ đó đi. Ít nhất cũng phải biết nhục khi đến cả những kẻ mà anh bấu víu vào để tự hào ké cũng không làm nên trò trống gì. Chứ không phải lại ngồi vắt óc nghĩ xem có cái tự hào nào có thể ké vào được không? Thua keo này ta bày keo khác? Việt nam vô địch! Tự hào quá Việt Á ơi?